Kể từ khi Wilhelm Wundt thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên tại Leipzig (Đức) vào năm 1879, tâm lý học đã trải qua một chặng đường gần 150 năm định hình và phát triển như một ngành khoa học độc lập, tách rời khỏi các lĩnh vực khác như Triết học hay Y khoa.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đó, có khá nhiều những thí nghiệm nổi tiếng đã được thực hiện, đặt nền móng cho sự ra đời của rất nhiều những lý thuyết và khái niệm về tâm lý chúng ta quen thuộc ngày nay. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi lớn về mức độ vô đạo đức và vô nhân tính của nó.
Điểm sáng duy nhất của những thí nghiệm dưới đây đó là chúng giúp hình thành nên những quy chuẩn về tính đạo đức và nhân văn trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những thí nghiệm liên quan đến con người.
Hố Sâu Tuyệt Vọng của Harlow
(Pit of Despair – Harry Harlow)
Vào những năm 1960s, nhà tâm lý học Harry Harlow đã tiến hành một chuỗi thí nghiệm về tác động của tình yêu thương và sự gắn bó lên quá trình phát triển bình thường. Chuỗi thí nghiệm này, cũng như kết quả của chúng, đã làm nhiều người “rợn tóc gáy” về độ tàn ác.
Trong một số thí nghiệm, Harlow cho cô lập những chú khỉ con – tách khỏi khỉ mẹ và ngăn chúng tương tác với những khỉ khác. Các khỉ con này sau đó được cho ở cùng với những “khỉ mẹ” làm bằng mô hình dây thép và vải, trong đó có 1 “mẹ” làm hoàn toàn bằng dây thép, có thể cho ăn nhưng không cho được cảm giác ấm áp, mềm mại như các “mẹ” có quấn vải. Khi cần ăn, khỉ con sẽ tìm đến “mẹ” dây thép, nhưng chúng thích ở với “mẹ” có vải hơn vì cảm giác được vỗ về này.
Trong một số thí nghiệm khác, Harlow cho đặt khỉ con vào nơi mà ông gọi là hố sâu tuyệt vọng (pit of despair) – một cái chuồng biệt lập. Chúng bị nhốt trong những chiếc chuồng này từ 10 tuần cho đến 1 năm. Sau vài ngày đầu tiên, những chú khỉ con đã không còn di chuyển, chỉ cuộn mình thu lu trong góc chuồng.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Chuỗi thí nghiệm của Harlow khiến những “tình nguyện viên” bị rối loạn nặng nề. Hệ quả tất yếu là chúng hoàn toàn không có kỹ năng xã hội, không thể tương tác với những khỉ khác, và không thể thực hiện hành vi tình dục bình thường. Đến đây, Harlow tiếp tục thử nghiệm một thiết bị gọi là giá cưỡng hiếp (rape rack) – nơi những con khỉ bị trói trong tư thế giao phối bắt buộc. Những con khỉ này sau đó vẫn mang thai và sinh con. Tuy nhiên, lứa khỉ con này bị bỏ rơi và bị hành hạ vì khỉ bố mẹ hoàn toàn không có khả năng chăm sóc con non.
Năm 1985, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ thông qua bộ quy tắc liên quan đến việc đối xử với con người và động vật trong nghiên cứu, đặt dấu chấm hết cho chuỗi thí nghiệm của Harry Harlow.
Thí nghiệm của Milgram về sự phục tùng
(The Milgram Shock Experiment – Stanley Milgram)
Thí nghiệm của Milgram về sự phục tùng các nhân vật có thẩm quyền là một loạt các thí nghiệm tâm lý xã hội do nhà tâm lý học Stanley Milgram của Đại học Yale thực hiện. Giả thiết ông đưa ra là con người thường sẽ làm ra những chuyện to lớn, nguy hiểm, thậm chí vô đạo đức chỉ để thể hiện sự tuân phục của họ với một nhân vật quyền lực nào đó.
Những người tham gia thí nghiệm Milgram được yêu cầu phải thực hiện những cú sốc điện lên người khác với độ mạnh tăng 15 vôn sau mỗi lần. Mức điệp áp khởi đầu là 30 và cao nhất là 450 vôn. Công tắc được dán các nhãn “sốc nhẹ”, “sốc vừa”, “nguy hiểm: sốc nặng”, và “XXX” cho mức sốc tối đa.
Màn sốc điện này thực ra không có thật. “Nạn nhân” cũng chỉ giả vờ diễn cảnh bị sốc. Nhưng những người tham gia thí nghiệm không biết điều này. Họ tin mọi thứ là thật. Và kết quả thí nghiệm cũng gây sốc không kém khi nhiều người tham gia sẵn sàng thực hiện mức sốc điện tối đa, thậm chí cả khi nạn nhân van nài xin được tha hay nói rằng mình có bệnh tim.
Thông thường, nếu được yêu cầu hãy đi sốc điện đến chết ai đó đi, hầu hết chúng ta đều cho rằng người này hoặc vô cùng độc ác hoặc là kẻ mất trí, còn bản thân ta sẽ chẳng bao giờ làm ra chuyện vô nhân đạo như vậy. Nhưng thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi của Milgram đã cho thấy sự thật về mức độ khủng khiếp mà con người có thể chạm tới nhằm phục tùng mệnh lệnh của một nhân vật quyền lực hơn (ở đây là nhóm thực hiện thí nghiệm).
Nhà Tù Stanford của Zimbardo
(Stanford Prison Experiment – Philip Zimbardo)
Philip Zimbardo – bạn trung học của Stanley Milgram – là một nhà tâm lý học có hứng thú nghiên cứu về vai trò của các yếu tố bối cảnh đối với nhóm hành vi xã hội. Trong thí nghiệm Nhà Tù Stanford nổi tiếng tranh cãi của mình, Zimbardo đã cho thiết lập một nhà tù giả tại tầng hầm khoa Tâm lý Đại học Stanford, với tù nhân và quản ngục được chỉ định ngẫu nhiên từ những người tham gia thí nghiệm.
Thí nghiệm này được chăm chút để trở nên chân thật hết mức có thể, từ quá trình “bắt giữ” cho đến lúc những người có tội bị tống vào tù trong đồng phục phạm nhân. Trách nhiệm của những “quản ngục” là kiểm soát và giữ trật tự trại giam mà không dùng bạo lực.
Tuy nhiên, khi “tù nhân” có dấu hiệu chống đối, các “quản ngục” đã bắt đầu sử dụng các chiến lược kiểm soát như sỉ nhục và biệt giam. Sau vài ngày, nhóm “quản ngục” thể hiện sự lạm quyền. Họ đối xử với “tù nhân” vô cùng tàn tệ. Cùng lúc đó, nhóm “tù nhân” cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu của chứng lo âu và suy sụp cảm xúc.
Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi Christina Maslach – một sinh viên trong trường và là vợ tương lai của Zimbardo – ghé thăm “nhà tù”. Quá kinh hãi với những gì đang diễn ra, Maslach quyết định lên tiếng. Nhà tù Stanford “ngừng hoạt động” sau 6 ngày thay vì 2 tuần như dự định. Dù vậy, Philip Zimbardo vẫn cho biết họ đã “kết thúc mọi thứ hơi chậm trễ”.
Albert Bé nhỏ của Watson và Rayner
(Little Albert Experiment – John Watson, Rosalie Rayner)
Bất cứ ai quan tâm đến Tâm lý học đều đã từng nghe đến Albert Bé Nhỏ (Bé Albert) – thí nghiệm của nhà tâm lý học hành vi John Watson và trợ lý của ông là Rosalie Rayner về điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning) ở người.
Vào thập niên 1890s, nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov đã tìm ra bằng chứng về quá trình hình thành phản xạ có điều kiện ở chó. Watson vô cùng hứng thú với nghiên cứu này. Ông bắt tay vào việc nghiên cứu xem liệu điều tương tự có xảy ra với con người hay không.
Thí nghiệm của Watson có tên là Albert B, hay còn gọi là Little Albert. Ông đã thực hiện điều kiện hóa (dạy và tập luyện) một em bé 8 tháng tuổi để bé không chỉ có phản xạ sợ hãi với chuột bạch mà còn sợ luôn những thứ có lông khác (kể cả bộ râu của Watson).
Thí nghiệm này gây tranh cãi vì nhiều lý do. Thứ nhất, thiết kế thí nghiệm và quy trình không được xây dựng cẩn thận. Phản ứng của Bé Albert được Watson diễn giải bằng những ý kiến chủ quan của ông, thay vì các đánh giá khách quan. Lý do tiếp theo chính là bản chất vô đạo đức của việc gây tổn thương tâm lý một đứa bé con – một tổn thương có nhiều khả năng tồn tại suốt đời vì Albert và mẹ đã chuyển đi nơi khác trước khi Watson và Rayner có thể hóa giải nỗi sợ có điều kiện này của bé.
Thắc mắc về thân phận thật sự của Bé Albert cũng là một nguyên nhân nữa khiến mọi người chú ý đến thí nghiệm này. Cuộc điều tra 7 năm do nhà tâm lý học Hall P. Beck và Alan J. Fridlund thực hiện đã đi đến kết luận rằng Bé Albert tên thật là Douglas Meritte. Cậu qua đời vì tràn dịch não khi mới tròn 6 tuổi.
Tệ hơn nữa, họ còn đưa ra bằng chứng cho thấy Meritte bẩm sinh đã bị não úng thủy, hoàn toàn không phải một đứa bé “khỏe mạnh bình thường” như mô tả của Watson, còn bản thân John Watson đã cố tình xuyên tạc thông tin. Phát hiện này càng làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội hơn về mức độ vô nhân tính của thí nghiệm Albert Bé Nhỏ.
Song kết luận trên của Beck và Fridlund bị phản bác khi có những bằng chứng khác cho thấy Bé Albert thực chất tên là William Barger – con trai một đồng nghiệp của mẹ Meritte. Barger qua đời ở tuổi 87 và mắc chứng ám ảnh sợ chó. Tuy nhiên người ta không thể chắc chắn liệu đây có phải hậu quả của thí nghiệm năm xưa hay không.
Thí nghiệm về Bất lực tập nhiễm
(Learned Helplessness – Martin Seligman, Steven Maier)
Bất lực tập nhiễm (hay bất lực có điều kiện, bất lực do học được) là hiện tượng xảy ra khi một đối tượng (con người hoặc con vật) thể hiện sự bất lực sau thời gian tiếp xúc với những kích thích thù địch gây khó chịu hoặc trái ý muốn được lặp đi lặp lại ngoài tầm kiểm soát của đối tượng. Hiện tượng này được tìm thấy ở cả động vật và con người bởi nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven Maier.
Cuối những năm 1960s, Seligman và Maier tiến hành một số thí nghiệm về điều kiện hóa ở chó – huấn luyện chúng nhận biết những cú sốc điện với dấu hiệu là một âm báo. Ban đầu, những chú chó được nhốt trong hộp chia ngăn, một bên có điện một bên không. Khi bị giật, chúng có thể nhảy qua thanh chắn ở giữa để trốn sang ô không có điện. Kế đó, những chú chó này bị buộc lại và không thể nhảy tránh những cú sốc điện được nữa.
Sau khi hoàn thành quá trình điều kiện hóa để dự đoán những cú sốc không thể tránh khỏi, những chú chó lại bị nhốt vào những chiếc hộp ban đầu. Nhưng lần này chúng không nhảy qua rào để trốn sốc nữa do đã được “tập” rằng có cố gắng cũng không thoát được. Từ thí nghiệm này, Seligman và Maier đã khám phá ra hiện tượng bất lực tập nhiễm. Song nó vẫn gây tranh cãi vì hành vi ngược đãi động vật.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
7 kênh podcast giúp bạn tìm hiểu về tâm lý
Tâm lý học nghịch đảo – Cấm cản để càng làm
Netflix và những thủ thuật tâm lý giúp hoàn thiện trải nghiệm người dùng
Thảo luận về bài viết