#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Plus by Bảo Nam là một triển lãm về nghệ thuật sắp đặt, diễn ra từ ngày 9/4 đến 15/4/2021 tại Amanaki Saigon Suite (Thảo Điền, Q2, TPHCM).
Ngày 13/4/2021, nghệ sĩ người Nga Baina phát hiện tại triển lãm này có 2 tác phẩm đạo ý tưởng của nghệ sĩ Jamie North và Matsuri Yamana. Sự việc lan rộng khi nghệ sĩ Chinh Ba – founder của CAB Hoian – chia sẻ cuộc hội thoại giữa anh và Baina với nội dung tố triển lãm đạo nhái.
Thông tin này ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm. Liên tiếp các tác phẩm khác trong quy mô triển lãm cũng bị phát hiện sao chép ý tưởng của các tác phẩm / dự án nghệ thuật trước đó. Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhà giám tuyển đã tỏ thái độ phẫn nộ và thất vọng trước sự việc.
Tuy nhiên, phản hồi của Bảo Nam không thuyết phục thậm chí đi ngược lại với những gì được phát biểu trong thông cáo báo chí.
Các tác phẩm bị tố đạo nhái
Có ít nhất 7 tác phẩm tại Plus by Bảo Nam bị tố đạo nhái. Trong số đó, dễ nhận thấy nhất là tác phẩm BN1.
Nó trông rất giống với tác phẩm trong triển lãm cá nhân mang tên Terraforms của nghệ sĩ thị giác người Úc, Jamie North, diễn ra vào năm 2014 tại Sarah Cottier Gallery.
Phải: BN1 tại triển lãm Plus by Bảo Nam
Tương tự, tác phẩm đám mây trong triển lãm có sự tương đồng rất lớn với tác phẩm The Cloud (Đám mây) của nghệ sĩ Matsuri Yamana, được sáng tác vào năm 2013.
Tác phẩm ống dẫn này bị tố đạo một tác phẩm đã xuất hiện từ 2017 ở cửa hàng Chanel tại Hawaii.
Điêu khắc dưới đây đạo từ tác phẩm của nghệ sĩ Sonja Vordermaier sáng tác và trưng bày vào năm 2018.
Tuy đã được biến tấu nhưng giới chuyên gia nhìn vào có thể phát hiện ra ngay đó là tác phẩm của nghệ sĩ Premysl Hytych vào năm 2018.
Cũng theo Giám tuyển Ace Lê, một tác phẩm của Jiyou Kim Studio đã bị trang thương mại điện tử Trung Quốc Taobao “nhái đồ bán giá rẻ vài trăm tệ, nay được Bảo Nam mua về sơn lại bày tiếp”.
Phải: đồ ‘double fake’ bán trên Taobao với giá khoảng 600.000 VNĐ (chưa ship)
Giới chuyên môn lên tiếng
Kể cả nếu đây là một sự tình cờ trùng lặp ý tưởng, thì tôi cũng không đánh giá cao
Giám tuyển Nghệ thuật Ace Lê, hiện đang sinh sống và công tác trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật tại Singapore, cho biết: “Trong trường hợp này, không cần quá sắc sảo để nhận ra những điểm tương đồng về mặt thị giác, chất liệu và ý tưởng sắp đặt giữa các tác phẩm được so sánh.
Tôi khá quen thuộc với những sáng tác của nghệ sỹ người Úc Jamie North, người đã từng lưu trú năm 2017 tại NTU Centre for Contemporary Art Singapore, nơi tôi đang là nghiên cứu sinh.
Ace Lê
Loạt tác phẩm điêu khắc Terraforms (2014) của anh sử dụng thực vật bản địa trồng lên trên cột khối hỗn hợp các chất liệu công nghiệp như xi măng, thép, sợi nhựa, bột đá cẩm thạch, đá vôi và tro than, được triển lãm solo tại Sarah Cottier Gallery tại Sydney, đặt ra câu hỏi hiện sinh về mối tương quan giữa nhân loại và thiên nhiên.
Ở đây, tuy Bảo Nam có chuyển sang sử dụng loại cây nhiệt đới như cây nắp ấm, nhưng nhìn chung về mặt hình khối, chất liệu và ý tưởng ta thấy có sự tương đồng rõ ràng với Jamie North.
Còn về sắp đặt đám mây, khái niệm cloud art những năm gần đây đã không còn là mới mẻ. Ở đây sự song song giữa sắp đặt của Bảo Nam với tác phẩm The Cloud của Matsuri Yamana là khá rõ ràng, với việc đặt chiếc thang cho người xem tương tác với đám mây bên trên.
Kể cả nếu đây là một sự tình cờ trùng lặp ý tưởng, thì tôi cũng không đánh giá cao, bởi nó không đem lại thông điệp gì mới. Về cloud art, nhiều nghệ sỹ đã đi theo hướng thể nghiệm mới và rất thành công như Berndnaut Smilde. Còn nếu chỉ dừng ở mức ưa nhìn, dễ chụp lên Instagram, thì chỉ nên coi là thiết kế có tính trang trí cao.”
Bảo Nam là ai?
Bảo Nam là một doanh nhân thành đạt khởi nghiệp từ cửa hàng Lavender Flower, thành lập công ty Kinh doanh & Sản xuất Đồ trang trí Nội thất Peony Home (2016), trở thành CEO công ty Tư vấn & Trang trí Nhà cửa SaiGon E’lite (2019).
Hiện nay anh còn được biết đến với vai trò Cố vấn Sáng tạo – người đứng sau bối cảnh Bạch Trà Viên trong phim Gái Già Lắm Chiêu V, và sắp đặt các cảnh trí, đồ nội thất thượng lưu thể hiện lối sống của một danh gia vọng tộc trong bộ phim Hạnh Phúc Máu.
Phản hồi của Bảo Nam
Lấy ví dụ một cái áo, 100 người thiết kế cái áo, người thêm cái nút, kẻ thêm cái này cái kia thì nó ra cái áo khác. Nghệ thuật rất mông lung và vô biên.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sáng tạo Bảo Nam cho hay triển lãm anh tổ chức là triển lãm hoa chứ không phải triển lãm nghệ thuật sắp đặt thông thường, nó mang thông điệp hoàn toàn khác.
Ví dụ với tác phẩm đám mây mà mọi người thấy, nội dung chính của tác phẩm thực ra là mặt bên trong được trang trí bởi hoa tươi chứ không phải hình thức bên ngoài.
Đám mây của mình nói về việc phá thai. Những bông hoa bên trong tượng trưng cho các thiên thần bị bỏ quên.
Bảo Nam
Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí: “Đây là sự kết hợp của contemporary art và thời trang, hoa, nội thất, tranh và home décor…. Nghệ thuật đương đại, Nghệ thuật điêu khắc cơ thể, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật sáng tạo mùi hương sẽ được “bàn tay phù thủy” của Bảo Nam sắp đặt trọn vẹn vào không gian nội thất, để mỗi mảng màu, mỗi góc của triển lãm đều toát lên cái hồn nghệ thuật.”
Có thể thấy, phát ngôn của Bảo Nam có sự mâu thuẫn.
“Thực ra những ý tưởng như vậy nhiều lắm. Nghệ thuật vốn là kế thừa và phát triển. Cùng một hình thức nhưng mỗi người một câu chuyện. Triển lãm của mình là triển lãm hoa, thông điệp câu chuyện mình muốn gửi gắm cũng khác.
Để hình dung cụ thể hơn, anh cũng lấy dẫn chứng là hình ảnh cho bộ sưu tập thu – đông 2020 của nhà mốt Louis Vuitton, trong đó hình đám mây là điểm nhấn. Một số nhà mốt khác như Kenzo, Chanel cũng từng sử dụng các chất liệu nghệ thuật tương tự như ống hơi, mây… để minh họa.
Bảo Nam còn cho biết, đây chỉ là “hoa tôi cắm, đồ tôi làm để mời bạn bè đến chơi, tôi tự bỏ tiền làm chứ chẳng xin ai”. Một lần nữa, trái với chia sẻ của anh, đây là triển lãm được mở công khai chứ không phải dành riêng cho bạn bè.
Như vậy, sự không thẳng thắn và dứt khoát trong cách phát ngôn của anh đã tạo nên sự bất bình và giận dữ trong dư luận, đặc biệt là những người nghệ sĩ đương đại, những nhân vật đang sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc và “dị ứng” với đạo nhái.
Giới nghệ sĩ nói gì?
Nghệ sĩ đa phương tiện Lê Hào – người từng có tác phẩm My temple tại triển lãm Reflection diễn ra ở Nhật Bản, chia sẻ: “Tác phẩm nghệ thuật đương đại thường không có hàng nhái, hàng loại hai, loại ba hay sao chép vì đơn thuần chúng được thực hiện từ nguồn kinh phí phi lợi nhuận hay tự bỏ tiền túi ra thực hành.
Trong tác phẩm đương đại mang dấu ấn vùng miền văn hóa rõ ràng. Chính vì tính đặc thù ấy mà hấp dẫn khuyến dụ nghệ sĩ tìm kiếm chính mình ẩn hiện trong tác phẩm, nơi mình sinh sống,… Mỗi nơi có một câu chuyện riêng biệt mà hình thành tác phẩm đầy tính riêng tư.”
Họa sĩ cũng nhấn mạnh thêm rằng nhìn vào tác phẩm đương đại thì dễ nhận biết tác phẩm ấy đến từ đâu, châu lục nào,… không thể lẫn lộn vì nghệ sĩ nào cũng muốn tôn vinh và xây dựng văn hóa nơi họ sống, và trưng bày ra thế giới như một gọi mời thế giới hướng về.
Cái hay của tác phẩm đương đại không phải là đẹp hay xấu, mà thú vị là chúng không giống nhau. Thế nên, việc sao chép của Bảo Nam là thiếu trách nhiệm mời gọi thế giới bên ngoài quay trục nhìn nền nghệ thuật Việt Nam, thậm chí là đang tạo ra phản ứng ngược.
Nghệ sĩ Nhat Q.Vo đang làm việc tại Sàn Art, người có quan tâm sâu sắc đến vụ việc này, chia sẻ: “Đối với Bảo Nam, việc tổ chức triển lãm là việc bao đồng. Tuy nhiên, anh không biết anh đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng nghệ sĩ đương đại Việt Nam.”
Nghệ sĩ đa phương tiện thành danh Đỉnh Q. Lê – đồng sáng lập Sàn Art, người có nhiều tác phẩm được trưng bày khắp nơi trên thế giới – cũng mỉa mai với câu nói: “Bây giờ nhiều người tự xưng là nghệ sĩ đương đại. Hôm nay mình mạo muội tự xưng là nghệ sĩ cắm hoa.”
Vụ việc lần này đánh vào cách nghĩ sai lầm rằng tác phẩm nghệ thuật chỉ là đồ trang trí. Chúng ta thấy không ít khách sạn, nhà hàng toàn in tranh, chép tranh treo phục vụ khách. Giới sáng tạo sau khi giới thiệu cho khách hàng bằng pinterest thì bị khác hàng ép lấy ý tưởng y chang như vậy. Như vậy câu chuyện không dừng lại ở người tạo ra cái sai mà là nhận thức của người thường sử dụng cái sai ấy.
Nghệ sĩ Chinh Ba – sáng lập CAB Hoian
Nghệ sĩ Jamie North cũng đã phản hồi tờ báo Ngaynay về việc bị đạo ý tưởng như sau: “Tôi không biết Bảo Nam cho đến khi những người bạn của tôi ở Việt Nam gửi thông tin hình ảnh về triển lãm, trong đó có tác phẩm sử dụng ý tưởng của tôi. Công bằng mà nói, tôi không biết liệu anh ấy có phải là một nghệ sĩ hay không? Bởi lẽ, anh ta không hiểu biết gì về thế giới nghệ thuật và cách thức hoạt động của nghệ thuật cả.
Đạo nhái, xâm phạm bản quyền xảy ra ở khắp mọi nơi, tuy vậy không phải bao giờ cũng được cộng đồng phát hiện và lên tiếng bảo vệ. Thật lòng, tôi rất biết ơn bạn bè, những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật của tôi ở Việt Nam đã hết lòng lên tiếng cho sự thật.”
Lời xin lỗi khó nói thế sao?
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009) có xét đến từng hành vi vi phạm cụ thể: có sao chép hay không, sao chép vì mục đích gì, có ghi xuất xứ không…
Dĩ nhiên, không thể nói đơn giản là tổ chức triển lãm để mời bạn bè nên muốn trưng bày, cắt ghép sao cũng được, tùy nghi. Trong khi ở đây là một triển lãm công khai.
Giám tuyển Ace Lê cũng có lời nhắn gửi đến Bảo Nam thông qua báo Thanh Niên: “Nếu liên lạc được thì nhắn Nam nên bình tĩnh đối thoại và gửi lời xin lỗi. Có lẽ cộng đồng mạng cũng chỉ cần có thế.”
Tuy nhiên, phản hồi của Bảo Nam chỉ là “Xin lỗi, tôi đang bận.” rồi cắt liên lạc khi Thanh Niên liên hệ vào chiều 17/4. Sự việc vừa qua khiến giới chuyên môn và cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam hết sức bức xúc. Bởi lẽ nó sẽ làm xấu hình ảnh nghệ thuật nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế, khi mà trong thời đại của mạng xã hội, những thông tin này dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận nhiều người.
Hiện nhiều người tiếp tục truy vết các thông tin tác phẩm của Bảo Nam trên mạng để tìm kiếm thêm sự thật. Việc này cho thấy Bảo Nam có thể sẽ đối mặt với thái độ đánh giá thấp và sự quay lưng của công chúng nghệ thuật trong tương lai.
Tổng hợp: Luxuo, Thanh Niên, Sở hữu trí tuệ, L’Officiel
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Từ tin đồn Lotteria Việt Nam đóng cửa, nhìn lại tình hình kinh doanh các chuỗi thức ăn nhanh
#KhôngQuạu: Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
#KhôngQuạu: Cư dân mạng làm lố khi chỉ trích chiến dịch quảng cáo mũ lưỡi trai của MLB?
Thảo luận về bài viết