Có thể chúng ta từng nghĩ rằng chỉ có lãnh đạo, những người làm quản lý hoặc bác sĩ, y tá mới kiệt sức. Tuy nhiên rõ ràng, sự quá tải có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào tại mọi thời điểm. Dù có muốn “bơ” đi mà sống, song tình trạng này sẽ dẫn đến việc thiếu động lực, suy sụp tinh thần và khiến cho “mỗi ngày ta không thể chọn một niềm vui”.
Khi ở trong trạng thái quá tải, người ta khó lòng nhận định một cách tỉnh táo các vấn đề đơn giản nhất. Mọi thứ dường như là một mớ bòng bong rối bù. Để rồi chúng ta cũng mắc kẹt ngay trong chính suy nghĩ của bản thân.
Sau đây là những dấu hiệu để bạn xác định xem mình có đang bị quá tải (burnout) hay không!
1. Mệt mỏi về mặt cảm xúc:
Có rất nhiều người không rõ tại sao mình luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hứng thú khi đi làm dù cho đó chỉ là một ngày hoàn toàn bình thường. Sau một thời gian, tình trạng này vẫn không hề được cải thiện, bất chấp ta đã xin nghỉ hẳn một tuần để xả hơi. Nếu gặp phải những dấu hiệu này, nhiều khả năng là do chúng ta đang phải đối diện với những áp lực lớn của cuộc sống, hoặc cảm thấy kiệt sức, chán nản do những khó khăn tại nơi làm việc.
2. Nhụt chí, đánh mất bản thân:
Khi mới bắt đầu công việc, bạn có thể là người thích giao tiếp với đồng nghiệp, vui vẻ khi gặp gỡ khách hàng. Thế nhưng bây giờ, bạn ngày càng cảm thấy bực bội và cáu kỉnh nếu phải kết nối với mọi người. Khi sự gắn kết với công việc trở nên lỏng lẻo hơn, ta bắt đầu hoài nghi và thấy khổ sở mỗi khi đến văn phòng.
Có rất nhiều người đang cảm thấy bất ổn, đánh mất mình, trở thành những kẻ cáu giận, khó ưa mà không rõ nguyên nhân tại sao. Đó có thể là do sự quá tải – điều mà chính họ cũng không hề nhận thức được. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ bản thân chúng ta thấy mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến cả những mối quan hệ xung quanh.
3. Giảm hiệu quả cá nhân:
Một trong những điều đáng buồn khi cảm thấy quá tải chính là thay vì nhìn lại các vấn đề, chúng ta lại tập trung mọi suy nghĩ, hành động của mình vào việc “phải cố gắng hơn!”.
Nếu đang cảm thấy mất tự tin khi làm việc, dù đó là những nhiệm vụ mình đã từng hoàn thành xuất sắc, hoặc dù đã đầu tư nhiều công sức hơn nhưng hiệu suất làm việc vẫn suy giảm, thì có lẽ, đây chính là thời điểm ta cần nghiêm túc xem lại sự quá tải của mình.
Cách phòng ngừa và điều trị
Mặc dù cụm từ burnout khiến ta có cảm giác tình trạng này có thể tồn tại vĩnh viễn, song với những thay đổi hợp lý từ môi trường ,lối sống, suy nghĩ… ta có thể đẩy lùi sự quá tải, kiệt sức.
Trong những cuộc họp hoặc trao đổi về công việc, bạn có thể thông báo với sếp hoặc đồng nghiệp về tình trạng của bản thân, cũng như góp ý phương án để có thể tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và thoải mái hơn.
Trong trường hợp ta đã nỗ lực và cố gắng cải thiện tình hình làm việc, song mọi thứ vẫn không thay đổi, có thể ta cần phải thay đổi hoàn toàn vị trí hoặc một công việc mới để chấm dứt tình trạng kiệt sức.
Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn tình trạng kiệt sức, bạn cần xây dựng một chiến lược rõ ràng. Trước hết, hãy tìm hiểu các cách chăm sóc bản thân, như ăn uống lành mạnh, tập thể dục điều độ và thu xếp thời gian ngủ hợp lý.
Sau khi áp dụng những phương pháp trên nhưng tinh thần chưa cải thiện, bạn có thể nghĩ đến việc đi du lịch. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời và chưa chắc sẽ giúp bạn vượt qua tình trạng này hoàn toàn. Nếu phải quay lại với guồng công việc, hãy luôn cho bản thân thời gian nghỉ giải lao phù hợp, cùng với các bài tập thể dục, thư giãn tinh thần hàng ngày.
Theo Psychology Today
Có thể bạn quan tâm:
6 giải pháp có giấc ngủ chất lượng hơn mỗi đêm
#Nghĩ: “Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn
1001 lý do khiến cân nặng và stress có thể “thập diện mai phục” chúng ta
Stress ảnh hưởng đến làn da như thế nào?
Thảo luận về bài viết