Để tránh đưa ra những quyết định theo cảm tính hoặc thiên kiến trước đấy, ta có thể áp dụng mô hình tư duyBậc thang suy luận vào công việc của mình. Vậy nó là gì? Và làm sao ta có thể ứng dụng mô hình đấy?
Trong cuộc sống, chúng ta thường phải đưa ra hàng trăm quyết định mỗi ngày, phần lớn là trong vô thức và không tốn qua nhiều nỗ lực (như đánh răng, ăn uống, tập thể dục,… chẳng hạn).
Tuy nhiên, với sự quá tải thông tin, những thiên kiến nhận thức, áp lực thời gian, cùng các yếu tố xã hội và cảm xúc; đôi khi chúng ta sẽ đưa ra những quyết định vội vàng, phi lý và có thể gây hại – đặc biệt nhất là trong môi trường làm việc. Đó là lý do tại sao mô hình tư duy như Bậc thang suy luận (Ladder of Inference) có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định đúng đắn mà không phải theo cảm tính.
Theo đó, mỗi bước trong quá trình ra quyết định sẽ được đại diện bằng 1 nấc thang. Bạn sẽ bắt đầu từ đáy thang và lần lượt leo lên mỗi nấc trước khi đưa ra quyết định và hành động cuối cùng. Vậy làm thế nào để áp dụng mô hình này vào công việc? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé.
Bậc thang suy luận bao gồm bao nhiêu “nấc”?
Bậc thang suy luận (Ladder of Inference) có tổng cộng 7 nấc thang, tương ứng với từng bước trong quá trình ra quyết định, từ quan sát đến hành động:
- Quan sát thực tế: Ở đáy thang, bạn bắt đầu với dữ liệu thô. Đây là những gì bạn có thể nhìn thấy, nghe thấy, hoặc quan sát trực tiếp. Giai đoạn này chỉ đơn thuần là tiếp nhận hoàn cảnh hiện tại mà chưa có sự diễn giải nào. (Ví dụ: Bạn thấy đồng nghiệp bước vào phòng và không chào hỏi.)
- Chọn lọc dữ liệu: Bạn chỉ tập trung vào một phần thông tin từ những gì quan sát được, dựa trên sự chú ý hoặc mối quan tâm cá nhân. (Ví dụ: Bạn để ý rằng đồng nghiệp không mỉm cười và nhìn thẳng vào bạn.)
- Diễn giải: Bạn bắt đầu diễn giải dữ liệu được chọn lọc dựa trên kinh nghiệm hoặc thiên kiến cá nhân. (Ví dụ: Bạn nghĩ rằng đồng nghiệp đấy có vẻ khó chịu.)
- Hình thành giả thuyết: Dựa trên ý nghĩa vừa gán, bạn đưa ra giả định để giải thích hành vi. (Ví dụ: Bạn cho rằng đồng nghiệp đấy đang không hài lòng với bạn.)
- Kết luận: Từ những giả định, bạn đưa ra kết luận về ý nghĩa của dữ liệu. Các kết luận này có thể là suy nghĩ trong đầu bạn hoặc quyết định rõ ràng ra bên ngoài. (Ví dụ: Bạn nghĩ: “Chắc họ giận mình vì chuyện gì đó.”)
- Xây dựng niềm tin: Bạn củng cố quan điểm cá nhân dựa trên kết luận và coi đó là sự thật. (Ví dụ: Bạn nghĩ “Họ không thích mình.”)
- Hành động: Cuối cùng, bạn thực hiện hành động mà bạn cho là đúng, nhưng trên thực tế, hành động đó bị chi phối bởi những giả định và không hoàn toàn dựa trên thực tế. (Ví dụ: Bạn giữ khoảng cách và tránh tiếp xúc với đồng nghiệp.)
Vì sao ta nên áp dụng mô hình tư duy này trong công việc?
Bằng cách sử dụng Bậc thang suy luận như một công cụ trong quá trình đưa ra ra quyết định, bạn có thể ý thức rõ hơn về quy trình tư duy đằng sau những lựa chọn của mình. Công cụ này sẽ giúp bạn đánh giá liệu quyết định của mình có dựa trên thực tế hay chỉ là qua các giả định không thôi.
Khi được áp dụng đúng cách, Bậc thang suy luận sẽ giúp:
- Cải thiện giao tiếp: Mô hình tư duy này giúp bạn và đồng nghiệp làm rõ những suy nghĩ hoặc giả định ngầm. Khi các giả định được bày tỏ rõ ràng, những hiểu lầm hoặc tranh cãi không đáng có sẽ được giảm thiểu.
- Giải quyết xung đột: Khi mọi người hiểu được cách họ và người khác đi đến kết luận, họ có thể dễ dàng giải quyết mâu thuẫn hơn. Điều này khuyến khích sự đồng cảm và thấu hiểu khi làm việc.
- Nâng cao kỹ năng ra quyết định: Việc suy nghĩ kỹ hơn về các bước dẫn đến quyết định giúp bạn tránh được ảnh hưởng của thiên kiến; dẫn đến cách tiếp cận có lý trí hơn, từ đó cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và đạt được kết quả tốt hơn.
- Cởi mở hơn với ý kiến/hành động của đồng nghiệp: Khi áp dụng, bạn sẽ học cách lắng nghe và cân nhắc các quan điểm khác nhau; giúp bạn mở rộng tư duy, chấp nhận các giải pháp sáng tạo và tránh bị ràng buộc bởi định kiến.
Các bước để áp dụng Bậc thang suy luận vào quyết định của bạn
Bước 1: Xác định bạn đang đứng trên nấc thang nào
Khi có 1 vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc, có thể theo cảm tính, bạn đã nhảy thẳng đến 1 “nấc thang” nào đấy mà không hề hay biết. Nếu điều đó xảy ra, ta nên xác định mình đang ở đâu.
Bước 2: Bắt đầu đi xuống bậc thang đấy
Khi đã biết mình đang ở nấc nào, bạn có thể dần dần quay ngược xuống cuối thang để bắt đầu quá trình đưa ra quyết định có chủ đích hơn. Ở mỗi nấc hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
1. Ở nấc “Quan sát thực tế”:
- Dữ liệu hoặc sự kiện cụ thể nào mà tôi đã quan sát được?
- Tôi đã thu thập đầy đủ thông tin liên quan chưa, hay đang thiếu sót điều gì?
- Nhận thức của tôi có chính xác không, hay tôi đang đưa ra các giả định về những gì mình nhìn thấy?
2. Ở nấc “Chọn lọc dữ liệu”:
- Tôi đang chọn tập trung vào yếu tố hay chi tiết nào, và tại sao?
- Có chi tiết nào tôi đang bỏ qua hoặc phớt lờ không?
- Kinh nghiệm cá nhân hoặc thiên kiến của tôi có ảnh hưởng đến việc chọn lọc dữ liệu không?
3. Ở nấc “Diễn giải”:
- Tôi đang gán ý nghĩa hay diễn giải gì cho dữ liệu quan sát được?
- Tôi nên cân nhắc những diễn giải nào khác?
- Diễn giải của tôi có phù hợp với dữ liệu thực tế không, và tôi có đang kết nối một cách logic không?
4. Ở nấc “Hình thành giả thuyết”:
- Tôi đang đưa ra những giả định nào về ý nghĩa của dữ liệu?
- Giả định của tôi có dựa trên lý lẽ hợp lý không, hay chỉ là những suy diễn không có căn cứ?
- Niềm tin hoặc mô hình tư duy cá nhân đang ảnh hưởng thế nào đến các giả định của tôi?
5. Ở nấc “Kết luận”:
- Tôi đang đưa ra những kết luận hoặc quyết định gì dựa trên các giả định?
- Những kết luận này có được suy ra một cách logic từ dữ liệu và giả định không?
- Tôi đã cân nhắc các hậu quả tiềm ẩn của những kết luận này chưa?
6. Ở nấc “Xây dựng niềm tin”:
- Các kết luận của tôi có phù hợp với niềm tin hiện tại của tôikhông?
- Tôi có nhận thấy mình đang có thiên kiến xác nhận (confirmation bias), khi tôi chỉ tìm kiếm thông tin ủng hộ niềm tin của mình mà bác bỏ bằng chứng mâu thuẫn không?
- Có niềm tin sâu sắc nào đang chi phối suy nghĩ của tôi không?
7. Ở nấc “Hành động”:
- Tôi đang nghiêng về hành động nào dựa trên các kết luận và niềm tin của mình?
- Hành động này có thể ảnh hưởng như thế nào đến người khác và bối cảnh chung?
- Có hành động thay thế nào phù hợp hoặc hiệu quả hơn không?
Bước 3: Leo lên bậc thang đấy thêm lần nữa
Sau khi đã làm rõ tư duy của mình bằng cách đi xuống thang từng nấc một, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về quy trình lý luận và những giả định của mình. Giờ đây, bạn hãy thử leo lên thang lại nhưng cẩn trọng hơn lần này nhé.
Ví dụ minh hoạ
Bối cảnh: Anh Tùng là một nhân viên mới trong nhóm, được giao làm báo cáo tuần và gửi cho sếp trước 5 giờ chiều thứ Sáu. Đúng 4 giờ 45 phút, anh Tùng gửi email báo cáo nhưng không nhận được phản hồi nào từ sếp suốt cuối tuần. Điều này khiến anh cảm thấy lo lắng và tự đặt ra nhiều giả định về công việc của mình.
Nếu đưa ra quyết định theo cảm tính, lối tư duy của anh Tùng trong trường hợp này sẽ như sau:
- Bậc 7: Anh Tùng quyết định không chủ động hỏi sếp về báo cáo, vì nghĩ rằng sếp không hài lòng và đang cân nhắc ý kiến về năng lực của mình
- Bậc 6: Anh nghĩ: “Sếp không hài lòng với báo cáo của mình và có thể nghi ngờ năng lực làm việc của mình.“
- Bậc 5: Anh Tùng nghĩ báo cáo của mình có vấn đề nghiêm trọng hoặc không đáp ứng kỳ vọng của sếp.
- Bậc 4: Việc không nhận được phản hồi có nghĩa là sếp không hài lòng với báo cáo của mình.
- Bậc 3: Anh Tùng cho rằng sự im lặng của sếp có nghĩa là sếp thất vọng hoặc không quan tâm đến báo cáo.
- Bậc 2: Anh Tùng chỉ tập trung vào việc không nhận được phản hồi, mà không xem xét các khả năng khác như sếp bận rộn hoặc đang xem xét báo cáo sau giờ làm việc.
- Bậc 1: Anh Tùng thấy sếp chưa phản hồi email báo cáo sau khi mình gửi.
Nhưng nếu đi từ dưới lên trên lại và tự đặt câu hỏi, anh sẽ nhận ra rằng:
- Bậc 1: Nhận ra rằng dữ liệu thực tế duy nhất là sếp chưa phản hồi.
- Bậc 2: Xem xét thêm các dữ liệu khác (sếp có thể đang bận họp hoặc cần thêm thời gian để đọc báo cáo).
- Bậc 3: Nhận ra rằng việc không phản hồi không nhất thiết đồng nghĩa với sự không hài lòng.
- Bậc 4: Có thể sếp chưa phản hồi vì bận hoặc chưa đọc báo cáo, chứ không phải vì báo cáo kém chất lượng (điều chỉnh lại giả thuyết).
- Bậc 5: Anh nghĩ: “Cần làm rõ với sếp thay vì tự suy diễn.” (kết luận mới)
- Bậc 6: Anh nghĩ: “Việc chưa nhận phản hồi không phải lúc nào cũng phản ánh năng lực của mình.” (điều chỉnh niềm tin)
- Bậc 7: Anh Tùng quyết định gửi email nhắc nhẹ sếp vào sáng thứ Hai:“Chào sếp, em muốn chắc chắn rằng sếp đã nhận được báo cáo tuần qua của em. Nếu có bất kỳ góp ý nào, em rất mong nhận được phản hồi để cải thiện công việc ạ.”
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Năm mới: Học gì, rèn gì cho giỏi?
- Đánh giá rủi ro là một kỹ năng, và bạn có thể cải thiện được
- Cách để tạo dựng uy tín ở nơi làm việc