Nụ cười được xem là đại diện cho niềm vui. Không chỉ vậy, chúng ta còn quan niệm rằng cười có khả năng khiến con người thấy hạnh phúc hơn. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” – dù gì xảy ra, cứ cười cái đã.
Vào những năm 1800s, Charles Darwin là một trong những người đầu tiên tạo ra tiền đề cho thứ mà các nhà khoa học ngày nay gọi là ‘giả thuyết về phản hồi bằng khuôn mặt’ (facial feedback hypothesis) – một giả thuyết đề xuất rằng những biểu hiện trên khuôn mặt một người tạo ra tác động đến các trải nghiệm cảm xúc của họ.
Hiểu đơn giản, nếu muốn thay đổi tâm trạng, tất cả những gì chúng ta cần làm là thay đổi các biểu cảm trên mặt – cười nhiều hơn để hạnh phúc, và đừng cau mày suốt ngày vì như thế chỉ khiến bạn thêm buồn bã sầu khổ mà thôi.
Những tác động của nụ cười
Ngày nay, giả thuyết về phản hồi bằng khuôn mặt vẫn rất phổ biến và được nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, hiện tượng này thực chất phức tạp hơn những gì nhân loại từng hình dung.
Một nghiên cứu thực hiện gần đây đã tái xem xét lượng dữ liệu thu thập trong 50 năm có liên quan đến vấn đề này, trong đó có kết quả từ gần 300 thí nghiệm về thuyết phản hồi bằng khuôn mặt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nụ cười, trong trường hợp nó thật sự có khả năng làm gia tăng hạnh phúc, cũng chỉ giúp tăng một phần rất nhỏ (khoảng 0,07%).
Nghiên cứu này cũng xem xét mức độ tác động của các biểu cảm được cho là khơi gợi cảm xúc tiêu cực, ví dụ như nhăn nhó hoặc cau mày. Theo Nick Coles – nghiên cứu sinh tâm lý học xã hội tại Đại học Tennessee, tác giả chính của nghiên cứu – thì dù cho là biểu cảm tiêu cực hay tích cực thì “mức độ tác động của chúng vẫn cực kỳ nhỏ”.
Xem thêm: Vì sao tiếng cười xuất hiện vào những lúc không nên?
Kết quả từ nghiên cứu này đã châm thêm dầu vào cuộc tranh luận nảy lửa vốn đã tồn tại từ buổi bình minh của ngành tâm lý học – liệu rằng một hành động đơn giản như việc vận động các cơ trên khuôn mặt để chúng biến thành ‘nụ cười’ có thể khiến con người thấy hạnh phúc hơn hay không.
Một trong những nghiên cứu sớm nhất về vấn đề này được thực hiện từ năm 1988. Theo giải thích của Nick Coles, “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng nụ cười có thể gây ra những tác động đến cảm xúc, ngay cả khi người tham gia không nhận thức được rằng họ đang mỉm cười.”
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm: một nhóm được yêu cầu giữ bút giữa hai hàm răng – một cách mô phỏng nụ cười (môi tách ra, khuôn miệng hướng sang hai bên); nhóm còn lại giữ bút tại môi, tạo ra biểu cảm hờn dỗi (môi mím lại, hơi trề xuống, má phồng ra).
Những người tham gia không nhận thức được rằng mình đang cười hay đang bĩu môi (dù chỉ qua điệu bộ). Họ chỉ nghĩ là đang được cho thử nghiệm những cách thức khác nhau mà người khuyết tật dùng để tập viết. Sau đó, khi được yêu cầu đánh giá mức độ hài hước của những mẩu truyện tranh, nhóm giữ bút bằng răng cho biết họ thấy những câu chuyện kia buồn cười hơn.
Tuy nhiên, những kết luận từ nghiên cứu trên đã bị tranh cãi dữ dội khi vào năm 2016, 17 phòng thí nghiệm toàn cầu đã thất bại trong việc mô phỏng lại một phần nghiên cứu này trong một nỗ lực tái hiện kết quả về tác động của nụ cười lên cảm xúc. Chuyện càng phức tạp hơn khi hai năm sau đó, một nhóm các nhà khoa học tại Israel lại thành công tái hiện nghiên cứu năm 1988, nhưng trong điều kiện các tình nguyện viên tham gia không bị giám sát hoặc ghi hình.
Nhà tâm lý học Paula Niedenthal (Đại học Wisconsin) cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến những kết quả trái ngược này có thể là vì nụ cười của chúng ta mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau – không phải cái cười nào cũng đại diện cho niềm vui và hạnh phúc. Có những nụ cười vì mỉa mai, châm biếm (cười nhếch môi); có những nụ cười nhằm khẳng định vị thế, quyền lực; có những nụ cười để chữa ngượng; lại có những người cười vì họ thấy thương cảm, thấy tội nghiệp bản thân.
Mỗi một nụ cười như thế lại cần những nguồn động lực khác nhau. Bản thân chúng cũng đã không giống nhau trong cách biểu hiện. Đó là lý do vì sao chúng ta khó tái hiện nụ cười trong môi trường thí nghiệm (cho dù là có hay không có sự hỗ trợ của một cây bút).
Xem thêm: Bạn có nhìn ra 7 nụ cười khác nhau này không?
Thuốc bổ uống quá liều cũng thành độc
Cho dù cười không thể giúp bạn hạnh phúc hơn, nhìn chung thì nó cũng chẳng gây hại. Tuy nhiên, thói quen gượng ép biểu cảm để cười có thể để lại những ảnh hưởng không tốt trong dài hạn.
Một nghiên cứu công bố năm 2019 cho thấy, những người là nhân viên công tác xã hội và những người làm việc trong ngành dịch vụ có khuynh hướng tiêu thụ đồ uống có cồn sau giờ làm việc nhiều hơn. Nguyên nhân được lý giải rằng nhân viên phục vụ là đối tượng luôn phải niềm nở với khách hàng. Họ gần như phải cười suốt ngày, trong khi những nụ cười này không thật sự xuất phát từ sự vui vẻ hay hạnh phúc. Tâm lý bất mãn và cảm giác ức chế về mặt cảm xúc khiến họ dễ tìm đến rượu bia để giải tỏa.
Như vậy, các biểu cảm khuôn mặt có thể gây tác động đến cảm xúc của chúng ta nhưng chỉ với một mức độ rất nhỏ và nó không hiệu quả mọi lúc. Trong lúc chờ đợi những kết quả nghiên cứu mới về vấn đề này, có hai điều chúng ta có thể làm: thành thật với cảm xúc và những biểu hiện của mình, đồng thời hạn chế hết mức có thể việc bảo ai đó ‘thay đổi cảm xúc’ của họ.
(Theo: NPR)
Xem thêm: Tích cực độc hại – Không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng nụ cười
Thảo luận về bài viết