Ra mắt vào giữa năm 2022, nền tảng mua sắm thương mại điện tử Temu đã và đang trên đà tạo dấu ấn trên thị trường e-commerce. Với mặt hàng đa dạng, giá cả thuộc hàng ‘siêu rẻ’ và nhiều ưu đãi cho người dùng, Temu có thể cạnh tranh với nhiều sàn điện tử khác-đặc biệt có vẻ như đang dần trở thành đối thủ đáng gờm của Amazon.
Temu lần đầu có độ phủ sóng lớn tại nước Mỹ qua quảng cáo được trình chiếu ở Super Bowl năm nay. Cụ thể, Temu đã phát sóng 6 video quảng cáo vào khung giờ vàng này. Công ty cũng cố gắng thu hút một lượng lớn khán giả toàn quốc, bằng cách cung cấp những quà tặng với tổng trị giá 10 triệu USD.
Kế hoạch truyền thông mang tên ‘mua sắm như một tỷ phú’ (‘Shop like a millionaire’) có mục tiêu là phục hồi sự suy giảm gần đây trong doanh số tại Mỹ của công ty. Nhưng những TVC này cũng không hề rẻ, bởi 1 quảng cáo dài 30 giây trong Super Bowl sẽ có giá khoảng 7 triệu USD. Vậy chính xác Temu là gì? Và vì sao công ty này đã có thể hình thành một lượng lớn khách hàng trung thành đến như vậy?
Temu là gì?
Đây là một nền tảng thương mại điện tử quốc tế, chuyên cung cấp các sản phẩm với giá cả phải chăng từ các nhà sản xuất và sau đó phân phối trên toàn thế giới. Được thành lập bởi PDD Holdings Inc. (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc), Temu tập trung vào việc kết nối người tiêu dùng với các nhà sản xuất trực tiếp, nhằm giảm bớt các khâu trung gian và giúp giá cả sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.
Temu hoạt động với mô hình tương tự như các nền tảng thương mại điện tử khác như Alibaba, Amazon hay Wish, nhưng nó chú trọng vào việc xuất khẩu các sản phẩm từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, ra thị trường quốc tế. Temu cung cấp đa dạng các mặt hàng từ quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, đồ điện tử cho đến các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân.
Một số điểm nổi bật của Temu:
- Giá cả cạnh tranh: nhờ vào việc kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất, nền tảng này có thể cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn so với nhiều đối thủ khác.
- Đa dạng sản phẩm: nền tảng cung cấp một loạt các sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
- Mô hình bán hàng trực tiếp: bằng cách loại bỏ các khâu trung gian, nền tảng này giúp giảm chi phí và thời gian giao hàng.
Temu đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ vào các ưu đãi hấp dẫn và chiến lược giá cả cạnh tranh. Nền tảng này được hứa hẹn sẽ trở thành một trong những cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu.
Vì sao hàng hóa trên đây lại rẻ đến như vậy?
Temu bán một loạt các sản phẩm trực tiếp từ các nhà bán lẻ Trung Quốc với giá cực thấp. Không những thế, giá của các mặt hàng trên này thậm chí còn thấp hơn nhờ vào các chương trình khuyến mãi theo khung giờ (flash sale) và giảm giá (có thể lên đến 99%).
Mô hình của nền tảng này dựa vào việc giữ chi phí ở mức tối thiểu bằng cách kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà cung cấp, chỉ xử lý việc vận chuyển cho khách hàng, từ đó cắt được đầu mối trung gian. Ngoài ra, cùng với việc tận dụng chi phí sản xuất thấp và lao động giá rẻ ở Trung Quốc (một điều khiến nhiều chuyên gia cảm thấy e ngại), đã giúp giữ chi phí hoạt động và từ đó giá sản phẩm có thể đạt mức cực kỳ thấp.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của việc Marketing ồ ạt của Temu và chiến lược bán giá thấp đến mức không có lãi (loss leaders) của công ty. Một số báo cáo cho biết, chi phí cho các nỗ lực Marketing và chiến lược bán hàng lỗ này có thể lên đến từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD trong năm 2023. Tuy vậy, Temu vẫn đang cố gắng phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu mở rộng hoạt động ra hơn 45 quốc gia trong vòng 1 năm.
Vào đầu năm 2024, nền tảng này thông báo với truyền thông Trung Quốc rằng họ đang cho phép nền tảng có thêm các mặt hàng từ các nhà bán lẻ ở Mỹ và châu Âu. Một phát ngôn viên của Temu đã xác nhận kế hoạch của công ty, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết, chỉ nói rằng “nhiều chi tiết kinh doanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.”
Temu có mặt ở đâu?
Temu ban đầu có mặt tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand vào năm 2022. Tính đến tháng 4 năm 2023, nền tảng này bắt đầu mở rộng ra các thị trường châu Âu, bao gồm: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Hà Lan, trước khi tiến vào các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ tháng 9 năm ngoái, Temu đã có mặt tại Philippines. Đây được cho là bước đầu phản ánh tham vọng mở rộng của mình tại các khu vực ở Đông Nam Á.
Vì sao Temu có thể thách thức tính độc quyền của Amazon tại thị trường Hoa Kỳ?
Thị trường tại ‘xứ cờ hoa’ đang theo dõi sát sao Temu, kể từ khi công ty Trung Quốc này đang trên đà theo đuổi sự mở rộng toàn cầu.
11 nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã gửi một bức thư đến các CEO của CBS và công ty mẹ Paramount, yêu cầu họ cấm Temu mua quảng cáo. Thượng nghị sĩ Tom Cotton từ bang Arkansas đã đăng trên X (trước đó mang tên ‘Twitter’): “Giống như TikTok, Temu hoặc bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào đều phải cho phép Đảng Cộng sản truy cập không giới hạn vào dữ liệu của họ. Đây nên là điều bắt buộc nếu bọn họ muốn kinh doanh tại Hoa Kỳ.”
Sự trỗi dậy nhanh chóng của nền tảng này có thể đe dọa vị thế gần như độc quyền của Amazon. Liệu công ty này có thể thành công trên đất Mỹ và chiếm lấy một phần lớn từ thị phần ước tính 38% của Amazon trong e-commerce không? Hãy cùng phân tích những lý do khiến nền tảng này trở nên hấp dẫn trong mắt khách hàng.
1. Kết hợp giữa mua sắm và trò chơi
Điều đầu tiên nổi bật khi truy cập vào trang web của Temu là nó giống như một sòng bạc kết hợp với chợ trời lớn nhất hành tinh. Khách truy cập có thể sẽ gặp một bánh xe quay cho phép họ giành được phiếu giảm giá lên tới 200 USD để có thể sử dụng mua hàng.
Temu không chỉ có những món đồ bình thường, trên đây còn có những món đồ ‘độc lạ’: kính râm nhìn đêm, đèn camera nội soi, thiết bị chỉnh ngón chân cái, và bộ ngụy trang lá sinh học. Hơn nữa, nhiều mặt hàng của Temu có giá thấp ‘không tưởng’: ốp điện thoại giá 35 xu, bộ đồ lót giá 4,49 USD, và dép đi trong nhà giá 1,59 USD. Hãy thử tưởng tượng những giá đó được áp thêm mã giảm thì sẽ như thế nào!
Sự đổi mới của nền tảng này là biến việc mua sắm thành trò chơi để thu hút người tiêu dùng mua những món đồ mà họ chưa từng nghĩ rằng mình cần, với giá thấp đến mức họ không bận tâm về chi phí.
Trong khi Amazon cố gắng trở thành điểm đến mặc định cho mọi thứ bạn cần và sau đó thu hút bạn bằng những món đồ bạn mong muốn, Temu sẽ khơi dậy sự tò mò của bạn với những thiết bị mà bạn chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng.
2. Đi từ nhà máy sản xuất, thẳng đến tay người tiêu dùng
Mô hình kinh doanh của Temu tận dụng sự kết hợp giữa các nhà sản xuất Trung Quốc đang dư thừa công suất và người tiêu dùng Mỹ đang chịu áp lực từ lạm phát về giá cả kể từ sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có thể đã giảm bớt, nhưng thu nhập của tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí nhà ở và thực phẩm. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc ngược lại đang bị ảnh hưởng bởi giảm phát. Nền tảng này cho phép các nhà sản xuất tư nhân đang gặp khó khăn giải phóng hàng tồn kho của họ trong khi cung cấp trải nghiệm mua sắm giá rẻ cho người tiêu dùng.
3. Quảng cáo dồn dập
Temu đã chi hàng tỷ đô la vào quảng cáo trực tuyến để xây dựng thương hiệu và thu hút người dùng. Theo The Wall Street Journal, công ty này là nhà quảng cáo lớn thứ 5 tại Hoa Kỳ trong quý 4 năm 2023. Các nhà phân tích từ JPMorgan cũng dự đoán Temu sẽ chi 3 tỷ USD cho tiếp thị vào năm 2024.
Nền tảng này đã ‘mạnh tay’ chi tiêu cho quảng cáo đến mức giá quảng cáo trên các nền tảng của Meta như Facebook và Instagram bị đã đẩy lên cao, khiến các đối thủ cạnh tranh như Etsy gặp khó khăn trong việc mua quảng cáo. Kết quả là, Temu trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất năm 2023 và đạt 50 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 01.2024, theo công ty nghiên cứu Sensor Tower.
Thách thức của Temu tại Hoa Kỳ
Việc trò chơi hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng, việc sẵn sàng bán lỗ để giành thị phần và chiến lược Marketing cực kỳ mạnh mẽ, đã giúp Pinduoduo chiếm ngôi vị nhà bán lẻ trực tuyến có giá trị nhất từ Alibaba tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Temu đang đối mặt với những thách thức khi cố gắng tái hiện thành công này tại Hoa Kỳ.
Đầu tiên, công ty sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với sự tiện lợi của dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc qua đêm của Amazon với dịch vụ Prime. Cụ thể, thời gian giao hàng tiêu chuẩn trên Temu là từ 6 đến 20 ngày, và ngay cả tùy chọn giao hàng nhanh cũng mất từ 4 đến 9 ngày. Người tiêu dùng tại Mỹ sẽ không thể chờ đợi lâu cho những mặt hàng họ thực sự cần.
Thứ hai, thiết kế tổng thể và trải nghiệm mua sắm của Temu sẽ khiến việc thu hút các thương hiệu chú trọng hình ảnh và giá trị sản phẩm trở nên cực kỳ khó khăn. Trong khi người mua sắm có thể sẵn sàng thử một đôi tai nghe giá 17 USD hoặc đôi giày chạy giá 12 USD, những nhãn hàng như Apple hoặc Nike sẽ không cho phép sản phẩm của họ được bán trên trang này, cùng với những sản phẩm nhái đâu.
Cuối cùng, việc Temu có thể ‘giữ chân’ người hâm mộ hay không sẽ còn phải xem xét. Bởi, với phong cách hào nhoáng và ồn ào từ Marketing đến chính cách hoạt động chung của trang web, có thể khiến nơi đây chỉ dành cho việc mua những món đồ ‘vô tri’ và chỉ sử dụng 1 lần duy nhất.
Sự tài tình của Amazon là việc thu hút càng nhiều người Mỹ quay lại nhiều lần. Temu đang đốt rất nhiều vốn để đưa mọi người vào trang web và ứng dụng. Liệu họ có trở thành khách hàng quay lại thường xuyên hay không thì lại là câu chuyện khác.
Nói chung ở hiện tại, Temu có tiềm năng để cạnh tranh với Amazon. Nhưng nền tảng thương mại từ Trung Quốc này có vẻ như chỉ có thể chiếm một phần nhỏ trong thị phần thương mại điện tử của Amazon tại Mỹ, thay vì ăn sâu vào như kỳ vọng.
Xem thêm: Phân tích SWOT cho Cơm Tự Chín, Lẩu Tự Sôi Masan