#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Trong đêm ngày 03.12, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố thiết quân luật lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ.
Và mặc dù ngay vào sáng hôm sau, tuyên bố trên đã được gỡ bỏ, và vào ngày 07.12, tổng thống Yoon đã đưa ra lời xin lỗi về việc ban hành thiết quân luật và cam kết rằng ông sẽ không thực hiện điều này lần nữa; động thái đầy bất ngờ trên đã khiến người dân và các doanh nghiệp Hàn Quốc rơi vào trạng thái hoang mang trước sự bất định.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu còn tiếp tục diễn biến ra nhiều ngày, tháng, thậm chí nhiều năm; thì hình thức điều hành đất nước này sẽ ảnh hưởng đến bối cảnh kinh doanh ra sao? Hãy cùng The Millennials Life đi sâu vào tìm hiểu những câu hỏi cấp bách này, để làm sáng tỏ những phức tạp của thiết quân luật trong thế giới hiện đại.
Thiết quân luật là gì?
Hãy tưởng tượng bạn thức dậy trong một đất nước nơi quân đội đảm nhiệm các vai trò vốn thuộc về chính quyền dân sự thử – đó chính là thiết quân luật đấy! (tiếng Anh: Martial law).
Đây là việc tạm thời áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp của quân đội lên các chức năng dân sự thông thường của chính phủ. Thiết quân luật thường được tuyên bố trong những thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, chẳng hạn như chiến tranh, thiên tai, hoặc tình trạng bất ổn dân sự lớn khi các cấu trúc chính phủ hiện tại không đủ khả năng duy trì trật tự.
Dưới thiết quân luật, quân đội nắm quyền thực thi pháp luật, quản lý trật tự công cộng, và bảo đảm an ninh quốc gia. Điều này có thể bao gồm việc đình chỉ các quyền tự do dân sự, kiểm duyệt truyền thông, và áp đặt lệnh giới nghiêm.
Mặc dù được coi là biện pháp tạm thời nhằm khôi phục ổn định, việc tuyên bố thiết quân luật thường gây tranh cãi về sự cân bằng giữa an ninh và tự do cá nhân.
Những quốc gia nào đã áp dụng hình thức này?
Thiết quân luật không giới hạn ở một khu vực hay loại hình chính phủ nào; đây là công cụ mà nhiều quốc gia đã sử dụng trong toàn bộ tiến trình lịch sử con người, mỗi nơi lại có bối cảnh và hệ quả riêng. Dưới đây là một số ví dụ:
- Hoa Kỳ: Đất nước đã từng tuyên bố thiết quân luật trong nhiều trường hợp cụ thể, đáng chú ý nhất là trong thời kỳ Nội chiến và tại Hawaii sau vụ tấn công Trân Châu Cảng. Gần đây, đã có những thảo luận về việc áp dụng thiết quân luật để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp quốc gia lớn, mặc dù đây vẫn là biện pháp gây tranh cãi và hiếm khi được sử dụng.
- Thái Lan: Nơi đây đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự, trong đó thiết quân luật thường được tuyên bố để củng cố quyền lực. Những lần tuyên bố áp dụng hình thức này thường dẫn đến các giai đoạn cầm quyền quân sự kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ và các quyền tự do dân sự của quốc gia này.
- Ai Cập:Tại Ai Cập, thiết quân luật đã được viện dẫn nhiều lần, đặc biệt trong các giai đoạn bất ổn chính trị và biểu tình. Sự can thiệp của quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh chính trị của đất nước, nhưng thường gây tổn hại cho các thể chế dân chủ.
- Philippines: Đất nước này từng tuyên bố thiết quân luật dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos vào năm 1972, dẫn đến các vi phạm nhân quyền tràn lan và việc đàn áp các tiếng nói đối lập. Giai đoạn này vẫn là một chương đen tối trong lịch sử của quốc gia, nhấn mạnh những nguy cơ lạm dụng khi thiết quân luật bị lợi dụng.
- Hàn Quốc: Và cuối cùng không thể kể đến tuyên bố gần đây của Hàn Quốc – đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân chủ của nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ khi quốc gia chuyển sang chế độ dân chủ nghị viện vào năm 1987, thiết quân luật được áp dụng, cho thấy sức ép chính trị lớn mà chính quyền hiện tại đang phải đối mặt.
Những tác động trực tiếp và lâu dài của thiết quân luật đối với doanh nghiệp
Việc tuyên bố thiết quân luật tạo ra những làn sóng chấn động trong mọi mặt của xã hội, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh vốn rất nhạy cảm. Dưới đây sẽ là các tác động xấu mà thiết quân luật có thể làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp tại nước đó:
- Gián đoạn hoạt động:Khi thiết quân luật được áp dụng, doanh nghiệp có thể đối mặt với những thách thức trong hoạt động do lệnh giới nghiêm, hạn chế di chuyển và các biện pháp an ninh gia tăng; dẫn đến sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng, giảm lực lượng lao động sẵn có và gián đoạn các hoạt động thường ngày.
- Bất ổn kinh tế:Thiết quân luật thường kéo theo sự bất ổn về kinh tế. Các nhà đầu tư có thể trở nên dè dặt, dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán và giảm đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp phải đối mặt với sự biến động về tỷ giá tiền tệ và chính sách kinh tế không chắc chắn, khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn.
- Phải tuân theo quy định mới:Áp dụng hình thức quản lý này có thể dẫn đến những thay đổi quy định nhanh chóng và khó dự đoán. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế mới trong thương mại, thay đổi chính sách thuế hoặc các chỉ thị ưu tiên cho những ngành được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia.
- Nhân sự bị ảnh hưởng: Nhân viên giờ đây sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều doanh nghiệp. Bởi, thiết quân luật có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nếu nhân viên bị huy động tham gia quân sự hoặc bị hạn chế di chuyển. Ngoài ra, tác động tâm lý từ căng thẳng và bất ổn cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần của nhân viên.
- Gián đoạn chuỗi cung ứng:Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã mong manh, giờ sẽ rất dễ bị gián đoạn bởi thiết quân luật. Các hạn chế về giao thông, kiểm soát biên giới và gia tăng an ninh có thể làm chậm trễ vận chuyển và tăng chi phí, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế.
- Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng:Niềm tin của người tiêu dùng thường sẽ bị giảm sút trong giai đoạn này. Người dân có xu hướng ưu tiên mua các mặt hàng thiết yếu thay vì chi tiêu vào những thứ không cần thiết, ảnh hưởng đến các ngành như bán lẻ, du lịch và giải trí. Doanh nghiệp có thể cần điều chỉnh chiến lược để phù hợp với các ưu tiên thay đổi của người tiêu dùng.
Nhưng ngoài những tác động trước mắt, thiết quân luật còn có thể để lại những hệ quả sâu rộng đối với môi trường kinh doanh dài hạn:
- Ngăn cản đầu tư nước ngoài:Các quốc gia dưới chế độ thiết quân luật có thể trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà đầu tư. Sự không chắc chắn và rủi ro cao khi hoạt động trong môi trường này có thể dẫn đến sự sụt giảm trong đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và đổi mới của đất nước.
- Thay đổi ưu tiên:Trong thời gian áp dụng hình thức quản lý trên, doanh nghiệp thường phải tái cơ cấu ưu tiên để tập trung vào việc tồn tại thay vì phát triển. Đó có thể bao gồm việc cắt giảm các dự án không cần thiết, trì hoãn mở rộng và tái phân bổ nguồn lực vào những lĩnh vực quan trọng hơn.
- Gia tăng sự can thiệp từ nhà nướcThiết quân luật có thể dẫn đến sự can thiệp lớn hơn của chính phủ vào nền kinh tế. Điều này có thể bao gồm việc quốc hữu hóa một số ngành, kiểm soát giá cả và quy định chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, hạn chế tự do kinh doanh và đổi mới.
- Tác động đến quan hệ thương mại quốc tế:Các quốc gia tuyên bố thiết quân luật có thể gặp khó khăn trong quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Các lệnh trừng phạt, cấm vận thương mại và giảm hợp tác ngoại giao có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh quốc tế và hạn chế tiếp cận thị trường toàn cầu.
Sự tranh cãi về hình thức quản lý này
Mặc dù thiết quân luật được coi là công cụ để khôi phục trật tự trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng việc áp dụng nó luôn gây ra nhiều tranh cãi. Các nhà sử học cho rằng thiết quân luật thường được sử dụng cục đoan, như một cái cớ để củng cố quyền lực độc tài, làm suy yếu các thể chế dân chủ và xâm phạm quyền tự do dân sự. Trong khi đó, những người ủng hộ thì cho rằng thiết quân luật là cần thiết để ngăn chặn hỗn loạn và bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuyên bố mới đây tại Hàn Quốc đã khơi dậy những cuộc tranh luận gay gắt về sự cần thiết và nguy cơ lạm dụng quyền lực nếu thiết quân luật được thực thi lâu dài. Các lãnh đạo phe đối lập coi đây là một chiến thuật phi dân chủ nhằm duy trì quyền lực, trong khi những người ủng hộ cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước trước bất ổn chính trị.
Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của thiết quân luật là việc cân bằng giữa đảm bảo an ninh và tránh sự đàn áp bất đồng chính kiến. Dù sự tham gia của quân đội có thể mang lại sức mạnh cần thiết để dập tắt bất ổn, nhưng nó cũng đặt ra những lo ngại khi ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ và nguy cơ vi phạm nhân quyền.
Ngoài ra, ý kiến khác lại đào sâu thêm về động cơ thực sự đằng sau tuyên bố thiết quân luật. Liệu đó có thực sự là phản ứng trước một cuộc khủng hoảng quốc gia, hay chỉ là chiến lược nhằm dập tắt phe đối lập chính trị và củng cố quyền lực? Bởi trong nhiều trường hợp, kịch bản thứ 2 dường như luôn xảy ra, dẫn đến sự hoài nghi về tính chính đáng của các lý do được đưa ra bởi giới cầm quyền.
Kết
Thiết quân luật là một công cụ mạnh mẽ nhưng cũng đầy nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách. Nó có thể la biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự trong các cuộc khủng hoảng chưa từng có, nhưng đồng thời cũng mang nguy cơ làm xói mòn các nguyên tắc dân chủ và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Trong khi Hàn Quốc tiếp tục giải quyết hậu quả để lại từ 6 giờ đồng hồ đen tối đó, cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi sát sao. Những bài học rút ra từ trường hợp này và các trường hợp khác sẽ định hình cách các quốc gia và doanh nghiệp chuẩn bị và ứng phó với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Nghĩ: Làm gì khi bị ghét?
- #Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?
- #Nghĩ: “Nơi chốn thứ 3” (Third place) là gì? Và vì sao mọi người đều cần nó?