Trời Sài Gòn bước vào mùa mưa, một vài hình ảnh hoặc những kỷ niệm vui vẻ liên quan đến mưa bất giác xuất hiện làm bạn thay đổi tâm trạng trong chốc lát. Đôi khi cũng có thể là cảm giác bực bội, khó chịu vì sự ướt át từ đôi giày bạn mới giặt, tiếc nuối tấm vé số nhàu nát chưa kịp dò vì ngấm mưa.
Và rồi bạn chợt nhớ đến những cơn mưa trong The mood for love, nhớ đến mối tình lãng mạn và sâu sắc của ông Chu và bà Trương. Nghĩ đến tên sát nhân hàng loạt có biệt danh Snowman, trong bộ phim cùng tên, cũng giết người khi tuyết rơi, do ám ảnh tuổi thơ phải chứng kiến cái chết của mẹ mình. Người ta luôn bàn tán về nội dung, về các diễn viên mà đôi khi bỏ qua những tác động nhỏ của thời tiết đến cảm xúc của người xem.
Đôi khi thời tiết chính là một yếu tố của cốt truyện, không có nó, câu chuyện không thể triển khai.
Lấy ví dụ như tia chớp trong bộ phim Back to the Future, khi nhân vật chính là cậu thiếu niên Marty McFly vô tình quay về quá khứ, giúp bố mẹ mình đến được với nhau nhưng không thể quay về hiện tại vì cỗ máy thời gian không còn Plutonium (một loại năng lượng). Lúc này thứ duy nhất có thể thay thế chính là một tia sét có điện tích khoảng 1,21 tỷ W.
Hay trong bộ phim nổi tiếng Groundhog Day, nhân vật Phil Connors, một MC của tin thời tiết, đến Pennsylvania, để đưa tin về lễ hội Groundhog Day. Quá chán ngán với thị trấn này, Phil chỉ mong nhanh chóng rời khỏi nó nhưng một trận bão tuyết lớn xảy ra khiến anh phải ở lại và bắt đầu chuỗi ngày lặp đi lặp lại của anh.
Dưới chất liệu của thời tiết, các tác giả sử dụng chúng để tạo ra những chuyển biến trong phim, tạo một cái cớ đẩy các nhân vật vào những tình huống bắt đầu cho câu chuyện. Tia sét, hay cơn bão tuyết lúc này trở thành một nhân vật trong câu chuyện và là những nhân vật có vai trò lớn, tạo ra tác động mạnh đến cuộc đời của nhân vật.
Vai diễn của các nhân vật này cũng khá phong phú. Đôi khi thời tiết là một điều gì đó tốt đẹp xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm để giúp đỡ các nhân vật. Câu chuyện trong bộ phim Việt sắp chiếu Sài Gòn trong cơn mưa, xoay quanh tình yêu và ước mơ của những người trẻ, vô tình gặp nhau dưới cơn mưa. Cơn mưa bất ngờ chính là nguyên nhân khiến cho cuộc gặp gỡ của hai nhân vật trở nên gắn kết, một hướng mở để bộ phim bắt đầu.
Đôi khi thời tiết lại chính là một kẻ phản diện đáng sợ, đem lại nguy hiểm hay ảnh hưởng xấu lên cuộc sống bình thường của các nhân vật chính. Trong bộ phim The Impossible, thời tiết chính là một kiểu phản diện xuyên suốt, kiểu thiên tai bất ngờ nhưng có sức tàn phá kinh khủng không khác gì ác nhân trong các bộ phim siêu anh hùng. Phim kể về kỳ nghỉ giáng sinh của một gia đình tại Resort Orchid Beach thì bị cơn sóng thần ập đến phá huỷ toàn bộ mọi thứ xung quanh. Cả gia đình đã phải chiến đấu và tìm cách sống sót trước thảm hoạ thiên nhiên này.
Trong một vài bộ phim khác, thời tiết không đóng vai trò quá quan trọng, đôi khi nó chỉ là một hình ảnh mang tính ẩn dụ cho một cảm giác hoặc trở thành bối cảnh trong các cảnh quay.
“Mưa suốt những cảnh buồn, hạnh phúc thì sẽ có nắng đẹp” những định kiến này hoàn toàn không sai chút nào.
Kiểu thời tiết u ám, mưa rơi dễ dàng tăng những cảm xúc buồn bã mà nhân vật gặp phải, đôi khi nó còn khiến người xem đồng cảm cùng nhân vật. Trong Tháng năm rực rỡ, khi nhân vật Hiểu Phương nhớ lại khoảng khắc cô bị thất tình và ngồi một mình ở bờ hồ, trời mưa cả ở quá khứ lẫn hiện tại. Mặc dù chỉ là một phân đoạn rất nhỏ nhưng chắc chắn đây là phân đoạn mọi người dễ dàng cảm nhận được nỗi buồn của cô khi chứng kiến người mình thầm thích ở bên người con gái khác. Cũng trong bộ phim này, những khoảng khắc Hiểu Phương gặp gỡ lại bạn bè của mình, khi hội bạn cùng tụ tập với nhau luôn là những ngày nắng đẹp, thời tiết tốt. Điều đó tạo ra bầu không khí vui vẻ trong phim và niềm hạnh phúc khi mọi người đã gặp nhau, cùng nhau trải qua thời thanh xuân tươi đẹp.
Những kiểu thời tiết như vậy luôn được các nhà làm phim sử dụng khéo léo và hợp lý trong các bộ phim. Tuy nhiên với vài khán giả thích điều gì đó mới lạ hơn thì đôi khi việc phá bỏ định kiến lại tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Mưa không đơn thuần chỉ mang lại nỗi buồn, đôi khi nó xuất hiện bất ngờ trong các cảnh phim vui vẻ, hạnh phúc. Lúc này sự tồn tại của nó không có chút ảnh hưởng gì đến tâm trạng nhân vật, vào khoảng khắc ấy, mọi thứ xung quanh nhân vật chỉ toàn là sự vui vẻ. Đó là một kiểu nhấn mạnh cảm xúc cực kỳ thú vị.
Có một phân cảnh như vậy trong Tháng năm rực rỡ, lúc nhân vật Hiểu Phương rơi vào tình yêu ngọt ngào với chàng trai Đông Hồ khi được anh giúp đỡ. Trời mưa bất chợt nên cô được Đông Hồ nhường cho chiếc ô, cầm chiếc ô trên tay nhưng Hiểu Phương cứ vô tư nhảy múa trong mưa. Tất cả khán giả đều như bị cuốn vào tâm trạng khi yêu này của nhân vật Hiểu Phương. Bạn có thể dễ dàng liên tưởng đến một cảnh tương tự trong bộ phim kinh điển Singin’ in the Rain, khi nhân vật Don Lockwood hát và nhảy dưới mưa suốt 4 phút, sau khi Kathy trao cho anh nụ hôn đầy lãng mạn.
Một bộ phim Việt gần đây được chiếu trên Netflix là Cô gái đến từ hôm qua, nhân vật nam chính tên Thư thầm yêu cô nàng Việt An. Trong khi nấp vào một xe chở hàng và chứng kiến cảnh một chàng trai khác thân mật với Việt An mà tâm trạng thư trở nên khó chịu, bức bối vì không thể bày tỏ cảm xúc của mình. Mãi chìm trong suy nghĩ, chiếc xe đưa Thư đến một đoạn đường dài, khi anh bước xuống, thời tiết nóng và hanh khô của khung cảnh xung quanh càng làm tâm trạng anh trở nên tệ hơn.
Ngoài việc chỉ thể hiện sự buồn bã hay vui vẻ thông thường thì thời tiết thâm chí còn mang đễn những cảm xúc đa dạng hơn rất nhiều. Những cảnh chiến đấu của các nhân vật siêu anh hùng trở nên hoàng tráng và tạo cảm giác chân thực hơn khi diễn ra trong các bối cảnh thời tiết như mưa lớn, gió mạnh hay bão cát…Ví dụ điển hình cho việc này chính là các bộ phim về Batman, The Matrix, John Wick, Điệp vụ bất khả thi…
Một phân cảnh cực kỳ ấn tượng về mưa là khi nhân vật Andy Dufresne trong The Shawshank Redemption, cố vượt ngục và bò qua một đoạn ống đổ nước thải dài 500 yard. Khi ra khỏi đường ống cống, trời mưa như trút nước, như thể thanh tẩy và rửa sạch những bất công mà anh phải chịu đựng trong suốt thời gian dài. Mưa cùng những tia chớp từ trên cao khiến cho hình ảnh của Andy Dufresne trong phim trở thành một biểu tượng được mọi người yêu thích.
Hoặc phân cảnh lãng mạn của nụ hôn ngược giữa Người Nhện và nàng Mary Jane trong Spider man 2002, là một trong những cảnh kinh điển ngọt ngào nhất của dòng phim anh hùng.
Trong các bộ phim gần đây thì yếu tố thời tiết còn được đề cập đến như một yếu tố ảnh mang tính vĩ mô hơn, khi đề cập đến tầm quan trọng của khí hậu và việc chăm sóc môi trường. Ta có thể thấy trong When the Levees Broke, nói về hậu quả của cơn bão Katrina hay Before the Flood, một bộ phim nói về tình trạng nóng lên toàn cầu.
Cho dù việc đề cập đến thời tiết trong phim nhiều hay ít thì cũng không thể phủ nhận những tác động của yếu tố này đến người xem. Sự sợ hãi, nỗi buồn, niềm vui… mọi cảm xúc luôn được nhấn mạnh hơn đến người xem khi được đặt trong một bối cảnh thời tiết đặc biệt nào đó.