#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Khi xã hội ngày càng phát triển, những quan niệm tình dục cũng được nhìn nhận ngày một thoáng hơn. Làm tình trước hôn nhân không còn là điều cấm kỵ trong suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những cái nhìn hà khắc, quan điểm phức tạp về trinh tiết của một người.
Thật khó để định nghĩa hai từ “trinh tiết”
“Trinh tiết” là một trong những khái niệm khó hiểu nhất của nền văn hóa hiện đại.
Theo định nghĩa cơ bản nhất, hai từ này dùng để miêu tả những người chưa từng nếm thử “trái cấm.” Tuy nhiên, điều này không đơn giản như chúng ta tưởng, bởi khái niệm “quan hệ tình dục” vốn vô cùng đa dạng. Để nhận diện một người đã có “lần đầu tiên, đã mất trinh tiết ” hay chưa cũng đi kèm với nhiều đánh giá khác nhau.
Nhiều người nghĩ rằng quan hệ tình dục chỉ được xác nhận khi dương vật của người nam nằm trong âm đạo của người nữ. Sau khi phát sinh tiếp xúc cơ thể dưới hình thức trên, cả hai đã sẽ chính thức được coi là đã làm tình.
Song, quan niệm này nhanh chóng bị bác bỏ. Ý kiến trên đã vô tình bỏ qua những người gần gũi thể xác trong quan hệ đồng giới hoặc các hình thức khác như (“âu yếm” bằng miệng, tay hoặc qua các phần khác của cơ thể).
Bên cạnh đó, không ít ý kiến tranh luận về hành vi hiếp dâm và tấn công tình dục liệu có được tính là lần quan hệ đầu tiên và được xem là mất trinh tiết ? Xét cho cùng những lần ân ái chỉ thật sự được “ghi nhận” khi có sự đồng thuận của cả hai bên. Vậy nên nếu ai đó bị ép buộc hoặc bị áp bức khi bản thân chưa từng quan hệ với ai, liệu trải nghiệm không mấy vui vẻ đó có nên được tính là “lần đầu tiên làm chuyện ấy”?
Khi định nghĩa về lần đầu nếm “trái cấm” là thừa thãi
Theo quan điểm khắc khe và có phần không công bằng giữa hai giới, trinh tiết ở nhiều nền văn hóa là định nghĩa chỉ áp dụng cho nữ giới.
Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 110 của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ (ASA), các nhà khảo sát đã theo dõi hai nhóm thanh niên tại tiểu bang Iowa và Pennsylvania từ năm 2003 đến năm 2007.
Mục đích của họ là thu thập và đánh giá phản ứng xã hội đối với hoạt động tình dục của những người đồng trang lứa. Các chuyên gia đã yêu cầu những đối tượng tham gia khảo sát ghi nhận và so sánh số lượng những mối quan hệ xung quanh họ trước và sau lần gần gũi thể xác đầu tiên.
Kết quả cho thấy, trong những trẻ vị thành niên tham gia cuộc khảo sát, mạng lưới tình bạn của các bạn gái bị thu hẹp đến 45% sau lần làm tình đầu tiên. Ngược lại, số lượng bạn bè của các bạn trai lại tăng lên đột biến, với con số lên đến 88%.
Điều thú vị trong bản báo cáo kết quả là đối với những bạn nữ chỉ “make out” (hành động vuốt ve, ôm ấp và không có sự can thiệp của tình dục) tỷ lệ các mối quan hệ bạn bè lại tăng lên đến 25%. Trong khi ở nam giới, điều này lại hoàn toàn trái ngược: Vòng tròn xã hội của các bạn nam đã giảm tới 29%.
Những con số này đã thực sự khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Có thể thấy, về cơ bản, con người có sự phân biệt giới tính rõ ràng giữa “làm tình” và “ân ái”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn kép về giới tính trong xã hội ngày nay. Trong khi việc giữ gìn tiết hạnh, trinh tiết của phái nữ được kỳ vọng chỉ nên dừng lại ở những tiếp xúc thể xác nhẹ nhàng, ôm ấp thì chuẩn mực của việc làm tình lại đè nặng lên các bạn nam.
Nghiên cứu này cũng phần nào khiến ta phải đặt câu hỏi rằng, tại sao định nghĩa về sự trong trắng của nam và nữ lại có sự khác biệt đến thế. Rõ ràng khi nhắc đến mất trinh, một cách khoa học nhất, ta thường nghĩ đến việc hai cá thể giao phối với nhau và phải có sự thâm nhập ở vùng kín. Tuy nhiên, đối với nữ giới, ngay cả việc gần gũi, tiếp xúc thân mật với đàn ông cũng có thể được nhìn nhận như một lần “làm tình.”
Dù “trinh tiết” là cái mác đi kèm gánh nặng và sự đánh giá khắt khe dành cho phụ nữ, song ta không thể phủ nhận rằng đây cũng đồng thời là áp lực mà cánh mày râu phải gồng gánh. Chỉ là ở mỗi giới, người ta lại có những thang điểm, định kiến và sự chê trách khác nhau.
“Độ tuổi chuẩn mực”
Lần ân ái đầu tiên được coi là một sự kiện quan trọng trong suy nghĩ của nhiều người. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi trong suy nghĩ chúng ta, đây có thể coi là một cột mốc báo hiệu cho sự chuyển đổi từ lứa tuổi thanh thiếu niên sang tuổi trưởng thành – một bước đệm quan trọng trong hành trình “làm người lớn.”
Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học xung quanh câu chuyện về “độ tuổi chuẩn mực” để nếm “trái cấm” đã gặp không ít khó khăn. Mỗi chuyên gia đều có những kết luận khác nhau, cả về cách định nghĩa cũng như ý nghĩa của lần quan hệ đầu tiên.
Trong hơn 1000 năm qua, đã có rất nhiều sự thay đổi về lứa tuổi được coi là hoàn hảo cho lần làm tình đầu tiên. Vào thời Shakespeare, các cô gái 12 hoặc 13 tuổi đã làm mẹ. Nhưng theo tuổi thọ của con người ngày nay (70-90) và phong cách sống hiện đại, có ý kiến đã cho rằng, độ tuổi được coi là “hoàn hảo” nếm “trái cấm” là 15-25 tuổi.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chọn độ tuổi trung bình mà nam giới Hoa Kỳ trải qua lần “quan hệ tình dục đồng giới” đầu tiên là vừa qua 17 tuổi, nữ giới theo sau trung bình ba hoặc bốn tháng. Kết luận này vẫn tương đối ổn định kể từ năm 2002 đến nay. Tuổi 17 cũng đồng thời được các nhà tâm lý học và nhà khoa học xã hội gọi là “độ tuổi chuẩn mực” nhất.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi một công ty chăm sóc sức khoẻ của Anh năm 2018 đã nghiên cứu 500 người Mỹ và 500 người châu Âu. Theo đó, các chuyên gia đã kết luận rằng, độ tuổi sớm nhất để quan hệ tình dục gần như không thay đổi kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Đối với Baby Boomers, thời điểm thích hợp để làm chuyện ấy là 17,6 tuổi. Thế hệ X, muộn hơn một chút với con số 18,1 tuổi. Đối với thế hệ Millennials, con số đó là 17,4. Sự thay đổi đáng kể duy nhất dường như nằm trong nhóm tuổi gần đây: thế hệ Z được ghi nhận là “mất thẻ V” ngay sau lần sinh nhật thứ 16 của mình.
Bị cô lập vì mãi vẫn còn “tân” ?
Stephen Snyder – nhà trị liệu tình dục ở New York, đồng thời là tác giả sách, chia sẻ: “Lo lắng về việc vẫn còn trinh khi ‘quá tuổi’ có thể khiến nhiều người cảm thấy thiếu tự tin. Trong khi đó, sự tự tin của nam giới là đặc điểm hàng đầu mà phụ nữ coi trọng. Nếu một bạn nam vẫn còn là trai tân trong khi bạn bè cùng trang lứa đều đã có lần đầu tiên, họ có thể trở nên tự ti, khép mình và càng hạn chế cơ hội được thân mật với bạn tình.”
Trong một nền văn hoá mà tình dục đã trở nên bão hòa trong các hoạt động giải trí, quảng cáo hay các cuộc đối thoại thường ngày, dù là nam hay nữ, ta sẽ đều có xu hướng lo lắng rằng mình sẽ bị “cười cợt” nếu bản thân nằm trong số ít những người chưa từng “làm chuyện ấy.” Điều này dẫn đến những rối loạn lo âu cũng như ức chế về tình dục.
Theo một nghiên cứu sức khỏe cộng đồng được công bố vào năm 2008, thời điểm quan hệ tình dục lần đầu tiên có liên quan lâu dài đến kết quả sức khỏe tình dục của rất nhiều người. Phần lớn những người tình yêu quan hệ thể xác sớm hơn so với “tuổi chuẩn” (được định nghĩa là 16,8 tuổi trong nghiên cứu này) sẽ có tình trạng sức khoẻ kém hơn những người “làm đúng việc với đúng người tại đúng thời điểm.”
Cụ thể, khi làm “chuyện ấy” quá sớm, các đối tượng được nghiên cứu cho thấy họ gặp những vấn đề liên quan đến chức năng và khả năng bị kích thích, cũng như đối diện với nhiều hạn chế trong quá trình đạt và duy trì cực khoái.
Đối với nữ giới, tuy những ảnh hưởng này không nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn nhận thấy rằng, mặc dù không có quá nhiều lo ngại về sức khỏe, những phụ nữ bắt đầu làm tình muộn hơn “tuổi chuẩn” sẽ thường gặp các vấn đề về kích thích tình dục.
Vội vã nếm “trái cấm” có thể là biểu hiện nổi loạn của người trẻ
Trong nghiên cứu của mình, Rachel Lynn Golden – nhà tâm lý học lâm sàng tại thành phố New York, lại cho ra những khẳng định khác biệt với những nghiên cứu trên. Theo Golden, nếu ta nhìn một cách tổng thể hơn, trải nghiệm chuyện ấy sớm hay muộn, đúng độ tuổi hay không hầu như không tác động đến trải nghiệm giường chiếu sau đó của chúng ta.
Nhà tâm lý học này cho rằng, không có độ tuổi “lý tưởng” cho lần quan hệ đầu tiên. Đúng là đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy những người làm tình sớm thường dễ mắc chứng trầm cảm, lo âu, nhiều khả năng sử dụng chất kích thơn và có xu hướng hạ thấp giá trị của bản thân. Song, nghiên cứu cũng chứng minh rằng, những dấu hiệu tiêu cực này đều đã xuất hiện hoặc có “mầm mống” từ trước khi lần ân ái đầu tiên xảy ra.
Do đó, nghiên cứu này đã đi đến kết luận rằng: Trải nghiệm “chuyện người lớn” sớm hay muộn không nhất thiết ảnh hưởng tiêu cực đến con người; hay nói cách khác, việc sớm hòa nhập vào đời sống tình dục có thể chỉ là một trong số rất nhiều tính cách “nổi loạn” của giới trẻ.
Kết
Khi gõ “Mất trinh” trên thanh công cụ Google, từ khoá thường gặp nhất sẽ là “Mất trinh ở tuổi, mất trinh có đau không, mất trinh có dấu hiệu gì, mất trinh có tác hại gì,…”. Điều này cho thấy, bất chấp những quan điểm ngày càng tiến bộ về tình dục, xã hội vẫn có xu hướng xem trọng vấn đề trinh tiết. Việc một người có còn là “trai tân” hoặc “gái tân” hay không vẫn luôn bị đặt lên bàn cân để đánh giá, dựa theo văn hóa, tôn giáo hoặc quan niệm cá nhân của từng người, từng tập thể.
Dù chỉ là một khái niệm mơ hồ, song đôi lúc nó lại được coi là lời khen, sự ghi nhận để đánh dấu sự vững chãi, trưởng thành; khi thì lại bị chê cười, dè bỉu để bình phẩm về đức hạnh. Tuy nhiên xét cho cùng, dưới bất cứ góc độ nào, trinh tiết đều không thể coi là thước đo để đánh giá nhân phẩm của một người.
Xem thêm:
#Thoáng: Toàn cảnh tình dục đồng giới thời cổ đại
#Thoáng: Revenge porn – Cuộc chiến tình dục thời 4.0
#Thoáng: Sự “hoang đường” của chứng nghiện tình dục
Thảo luận về bài viết