Dự án giáo dục thể nghiệm nhằm truyền tải các chất liệu văn hóa theo hướng tiếp cận sáng tạo Vang vọng Trống chầu sắp tới sẽ có mặt tại sự kiện Dung Dăng Dung Dẻ – Play with Culture, diễn ra từ 9g00 đến 17g00 mỗi ngày trong vòng 1 tuần, từ 23/1 đến 30/1 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM).
Vang vọng Trống chầu là dự án đưa các show diễn lấy chất liệu từ các loại hình văn hóa gian Việt Nam như hát bội, diễn xướng Nam Bộ… lên sân khấu với hình thức mới, tiếp cận giới trẻ và du khách một cách trực quan và hiện đại. Dự án do Phan Khắc Huy và Đặng Thị Ngọc Tú thành lập sau hơn 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu và nhận được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân lão thành của lĩnh vực hát bội.
Họ đau đáu một cách gìn giữ, bảo tồn hát bội nhưng không đóng khung mà phải hòa vào đời sống giới trẻ
NSƯT Ngọc Khanh (đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) – người thầy của nhóm nhận xét về nhóm bạn trẻ say mê hát bội
Hát bội – Nét đẹp văn hóa đang dần bị lãng quên
Hát bội xuất hiện từ khá sớm ở Việt Nam. Theo nhiều tài liệu ghi lại thì hát bội (còn gọi là hát bộ, hát tuồng) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XII khi nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông và bắt được nhiều tù binh trong đó có những con hát theo phục vụ quân đội. Những người này được giữ lại để múa hát giúp vui trong cung, đồng thời truyền dạy lối hát đang thịnh hành ở triều Nguyên cho ta, gọi là hát bội.
Thực chất, chúng ta chỉ học hỏi cách vẽ mặt, y trang, bổ sung những điệu hát mới cho nghệ thuật múa hát theo tuồng tích đã có từ trước đó. Từ trò giải trí chốn cung đình, hát bội nhanh chóng lan tỏa khắp thôn quê, được người dân vô cùng yêu thích.
Càng đi về phía Nam thì hát bội càng “bén rễ” trong dân gian. Là người say mê hát bội, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) đã đưa hát bội vào Nam cùng mình. Với tâm tình phóng khoáng, không quan niệm hát bội chỉ dành cho giới trí thức, thượng lưu, đức Tả quân đã “trả” hát bội về cho dân gian.
Rũ bỏ những kiểu cách, rườm rà, những lễ nghi đậm chất bác học cao siêu chốn cung đình, cùng tinh thần cởi mở của miền đất mới, hát bội Nam Bộ dần hình thành những đặc trưng riêng: mạnh mẽ hơn, màu sắc hơn, náo nhiệt hơn, vui tươi hơn.
Đến thập niên 80 thế kỷ trước, hát bội đã phát triển khá thịnh vượng. Ngay tại trung tâm TP.HCM, hát bội vẫn đường đường cạnh tranh với cải lương, vé các suất hát đều bán trước một ngày.
Theo chia sẻ của NSƯT Ngọc Khanh, trong hát bội có đầy đủ tính chất trung hiếu tiết nghĩa, hỷ nộ ái ố. Ngoài ra, hát bội còn có tính ước lệ rất cao. Không giống cải lương hay kịch nói, sân khấu biểu diễn của hát bội chỉ cần màn trướng, không cần dựng cảnh. Vậy thôi nhưng khán giả chỉ cần nhìn vào người diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu, sẽ biết rằng họ đang xông pha nơi chiến trường, đang trở về nơi cung vàng điện ngọc, hay đang lạc giữa rừng hoang núi độc.
Nghệ sĩ Khánh Minh – một nghệ sĩ thuộc đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh – cho biết, mỗi vở tuồng sẽ là một câu chuyện lịch sử, kể lại các giai thoại anh hùng và những con người thanh liêm, chính trực. Từ hát bội, khán giả có thể học cách sống của người xưa, học đạo đức làm người.
Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ dần bị lãng quên và mai một theo dòng chảy của thời gian. Hát bội hôm nay chỉ còn bám trụ được ở không gian đình miếu, nơi đã từng cưu mang loại hình nghệ thuật này từ ngàn xưa. NSƯT Ngọc Nga, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Hát bội là nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nó gắn với những ngôi chùa, mái đình, những lễ hội cúng kỳ yên, chừng nào vẫn còn đình chùa, những lễ hội truyền thống này thì hát bội vẫn còn. Tuy nhiên cái khó của hát bội hiện nay là thiếu hụt lớp người kế thừa và ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ.”
Trong nhiều năm qua, hát bội vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm đến khán giả. Từ những cố gắng để “trẻ hóa” như hạn chế Hán Văn chỉ dùng từ thuần Việt, diễn viên hát thật chất lượng, tiết chế tính rề rà, dài dòng của vũ đạo, đẩy nhanh tiết tấu vở diễn, sáng tác thêm nhạc nền,… đến cho ra đời những vở tuồng mới mang đậm tính thể nghiệm như Người Cáo – vở hát bội mà diễn viên vận đồ Tây biểu diễn – hay Sinh vi tướng tử vi thần – vở hát bội không dùng lời mà dùng vũ đạo, diễn xuất, ánh sáng,… để kể chuyện.
Hát bội – Tiếng trống chầu vang vọng
Theo chia sẻ của anh Phan Khắc Huy, đồng sáng lập dự án Vang vọng Trống chầu, thì trống là thứ rất quan trọng trong các nghi lễ cung đình. Tiếng trống vừa đóng vai trò thông báo, vừa để lan tỏa sự nghiêm cẩn và lòng thánh kính đến mọi người. Việc chọn lựa thanh âm này để làm tên cho dự án giáo dục thể nghiệm học văn hóa qua trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam dành cho người trẻ và gia đình thành thị cũng nhằm biểu đạt mong muốn của anh và nhóm thực hiện: “Một tiếng trống đánh lên thì có thể lan ra thành một làn sóng. Tôi hy vọng với Vang vọng Trống chầu, mọi người cũng có thể nghe được, từ đó tò mò, rồi đến để tìm hiểu, và hiểu được các loại hình văn hóa dân gian.”
Trong cách nghĩ trước đây của mình và phần nhiều bạn trẻ, những loại hình văn hóa dân gian chỉ tồn tại trong không gian đình miếu. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật sân khấu cũng như công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nét đẹp văn hóa này đến gần với giới trẻ hơn. Ví dụ như chúng ta có thể xây dựng một kho dữ liệu về các nhân vật trong hát bội, để khi bất cứ ai nhìn vào một gương mặt thì cũng có thể biết đây là ai, nhân vật này có tính chất gì, có điệu múa điệu hát nào đặc trưng, và thường thấy trong những vở nào. Đây là một trong những điều mà Vang vọng Trống chầu đang cố gắng thực hiện.
Phan Khắc Huy – Đồng sáng lập dự án
Về việc hát bội không có thế hệ kế thừa, Phan Khắc Huy cũng đã và đang từng bước giải quyết vấn đề này. Anh từng tổ chức lớp học “Đường đến hát bội” nhiều năm qua, nguồn lực diễn viên trẻ của lớp này đã đến lúc được sử dụng. Hầu hết họ hòa quyện niềm đam mê vào chương trình biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trẻ cùng trang lứa những nét đẹp của hát bội. Vang vọng Trống chầu đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP HCM (Saigon Innovation Hub) bảo trợ. Theo NSƯT Ngọc Khanh, đây là một tín hiệu vui với các bạn trẻ yêu nghệ thuật hát bội.
The Art of Hát Bội – chương trình đầu tiên nhóm thực hiện – đã giới thiệu những truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Bộ như diễn xướng dân gian, văn hóa đình làng và những đặc trưng nghệ thuật của bộ môn hát bội trên nền tảng kỹ thuật sân khấu hiện đại. Tại chương trình, người tham gia còn được trải nghiệm tham quan triển lãm lịch sử phát triển của hát bội, chiêm ngưỡng các trang phục, mũ vật biểu diễn cùng các ấn phẩm về loại hình nghệt thuật đặc trưng này.
Một trong những hoạt động sắp tới của Vang vọng Trống chầu, đó là tham gia Dung Dăng Dung Dẻ – Play with Culture – tuần lễ trải nghiệm văn hóa độc đáo và thú vị, giúp khơi dậy hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là vùng Nam Bộ.
Tham gia những hoạt động tại sự kiện như workshop sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm nghệ thuật Nam Bộ, không gian các trò chơi cổ truyền, các buổi talkshow chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành, nghệ sỹ hàng đầu… bạn sẽ được trải nghiệm những hành trình sau:
#learnwithculture: tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam để có sự thấu hiểu và trân quý những giá trị thiêng liêng và quý báu của dân tộc
#workwithculture: có trải nghiệm để có thể ứng dụng những giá trị thẩm thấu được từ những điều Vang vọng Trống chầu mang lại và ứng dụng vào đời sống, vào công việc và kho tàng kiến thức của bản thân
#playwithculture: đích đến của hành trình là chúng ta sẽ thưởng thức văn hoá theo cách của mỗi người, rồi từ đó trở thành những đại sứ truyền bá cái hồn của lịch sử, văn hoá và lan truyền tinh thần hào hùng của lịch sử, căn tính đặc sắc của văn hóa Việt Nam mỗi khi có thể
Tìm hiểu thêm về sự kiện Dung Dăng Dung Dẻ – Play with Culture tại đây: https://fb.me/e/22NWJHZjI
Thảo luận về bài viết