Olympic Paris 2024, sự kiện thể thao danh giá nhất trên thế giới 4 năm được tổ chức một lần sẽ bắt đầu với lễ khai mạc dọc theo dòng sông Seine và tuân theo khẩu hiệu “Đại hội thể thao rộng mở” nhằm gắn kết mọi người, các quốc gia lại với nhau.
Hoà trong bầu không khí của một Thế vận hội “xanh”, chào đón hơn 150.000 người tham dự thì 16 đại diện của Việt Nam cùng với 10.500 VĐV đến từ nhiều quốc gia khác sẽ bắt đầu thi đấu cùng nhau và tạo nên những di sản cho Thế vận hội Olympic.
1. Cua-rơ Nguyễn Thị Thật:
Cô gái quê An Giang sinh năm 1993, trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo bắt đầu sự nghiệp cua-rơ khi 15 tuổi. Độ tuổi này vẫn khá trễ so với những vận động viên khác nhưng nữ vận động viên đã kiên trì tập luyện để rút ngắn thời gian cần hoàn thành khối lượng các bài tập mỗi tuần.
Nhờ những điều đó mà Nguyễn Thị Thật cùng Nguyễn Thị Thi là 2 người duy nhất còn trụ lại trong số 20 người khác được chọn vào đội tuyển Long Xuyên. Với cô những chặng đường tập luyện hay những giải đấu mà cô tham gia đều không chỉ cho mình mà còn đua cho cả niềm đam mê của em gái. Được biết em gái cô cũng trở thành cua-rơ vì ngưỡng mộ chị mình nhưng vào năm 2014 đã bị tai nạn và phải giải nghệ sớm.
Nữ VĐV từng chia sẻ ngoài năng khiếu, quan trọng là khổ luyện, kiên trì vì đam mê và em gái mình chính là động lực để cô chinh phục các cuộc đua. Với Thật xe đạp là môn thể thao rất đặc biệt, trên đường đua có những vất vả, khốc liệt mà không ai có thể hình dung được, cũng như chẳng có ai biết trước được gì sẽ xảy ra ở phía trước.
Mới đây Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) xác nhận Nguyễn Thị Thật là vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Nhưng không hề dễ dàng để có được tấm vé này khi Olympic Paris 2024 giành 90 suất chính thức cho nội dung đua đường trường nữ, trong đó chủ nhà Pháp ưu tiên có hai suất.
80 suất dựa vào vị trí các quốc gia trên bảng xếp hạng của Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) công bố vào 2023. Tuy nhiên Việt Nam lại không có tên trong danh sách này. Cho đến khi còn 8 suất cuối cùng được lựa chọn thông qua việc xét các giải vô địch thế giới năm 2023 thì Nguyễn Thị Thật mới được chọn.
Đặc biệt là sau chuỗi thành tích ấn tượng của cô khi đem về huy chương vàng tại SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia hồi tháng 5 năm 2023; Huy chương Vàng nội dung xuất phát đồng hàng ở giải xe đạp vô địch châu Á 2023 diễn ra tại Rayon (Thái Lan) vào tháng 6 năm 2023.
2. Kinh ngư Nguyễn Huy Hoàng
Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 2000 là VĐV Việt Nam thứ ba giành suất dự Olympic 2024. Được xem là kình ngư số một Việt Nam, Hoàng đã ghi nhận được các thành tích như giữ kỷ lục quốc gia và Đông Nam Á ở cự ly trung bình 800m và dài 1.500m tự do, HC vàng 800 m tự do Olympic trẻ, HC bạc 1.500 m và hai HC đồng 800m Asiad, bên cạnh 11 HC vàng SEA Games.
Vượt qua chấn thương cơ delta và luyện tập với cường độ cao, Nguyễn Huy Hoàng đã giành được HC đồng ở nội dung bơi 800m tự do tại Asiad 19. Anh cán đích thứ ba với thời gian 7 phút 51 giây 44 sau kình ngư Hàn Quốc Kim Woo Min (7 phút 46 giây 03), kình ngư Trung Quốc Fei Liwei (7 phút 49 giây 90). Thành tích này giúp anh đạt chuẩn A Olympic Paris 2024, nhanh hơn 0,21 giây so với quy định.
Nguyễn Huy Hoàng là cậu bé sinh ra ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), làng quê bên bờ sông Gianh. Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm nghề chài lưới. Hoàng đã thích bơi lội, vùng vẫy trên sông Gianh sau những lần theo cha đi vớt rong về làm thức ăn cho đàn cá trắm. Vào tiểu học, Hoàng tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và được chọn vào đội tuyển năng khiếu bơi lội của tỉnh.
Vốn thể hình thấp bé, sải tay hạn chế, để khắc phục yếu điểm này, Hoàng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để có thể vượt qua được giới hạn của bản thân:
“Tập luyện rất gian nan, tính theo năm, theo tháng chứ không bao giờ theo ngày được. Mỗi ngày em tập 8 tiếng, sáng 4 tiếng, chiều 4 tiếng, kiệt sức nhưng vẫn có bài tập cường độ cao. Có khoảng thời gian tập luyện em đã khóc, khóc rất nhiều, vì quá mệt và cũng vì hạnh phúc, nhất là khi mình hoàn thành được một bài tập khó, cho dù không đạt chỉ tiêu mà huấn luyện viên đưa ra, nhưng ít nhất em đã vượt qua bản thân mình”, Nguyễn Huy Hoàng tâm sự.
Những phần thưởng sau các chiến thắng của mình luôn được Hoàng chia sẻ một phần cho những hoàn cảnh khó khăn, mái ấm tình thương, các bé khuyết tật… “Số tiền này của em tuy không nhiều, nhưng em hy vọng có thể giúp đỡ phần nào, đồng thời giúp mọi người biết thêm về hoàn cảnh khốn khó của các bé”.
Vì thế khi được tham gia cùng 5 VĐV khác tham dự Olympic Paris 2024 sau khi đạt thành tích tốt sau chấn thương, Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ là : “Tôi đã lấy lại cảm giác rồi, lần bơi này rất tốt. Mục tiêu giành huy chương đã đạt được, nên lúc này tôi thấy rất vui, rất hưng phấn”.
3. Tay súng Trịnh Thu Vinh (súng ngắn)
Cô gái sinh năm 2000, với dáng người hơi còi Trịnh Thu Vinh đã khiến bố mẹ khá lo lắng khi lựa chọn trở thành một vận động viên thể thao vào năm lớp 7. Tự mình xin vào đội điền kinh trường, cô gái Thanh Hoá đã đạt được những thành tích tốt trong các giải đấu ở huyện, tỉnh và được mời vào đội điền kinh Công An Nhân Dân. Tuy nhiên tập luyện 3 năm mà không có thành tích, Trịnh Thu Vinh được thầy cô tư vấn chuyển sang tập bắn súng.
Chỉ sau 3 tháng, Trịnh Thu Vinh đã chứng minh bản thân có năng khiếu với môn thể thao này và được chọn vào đội để huấn luyện. “Vinh là một người có kĩ năng, chuyên môn ổn định, ý chí và sự vươn lên rất cao”, đó là lời nhận định của HLV Trần Quốc Cường (Đội tuyển Bắn súng Việt Nam) dành cho Vinh.
Nếu so với các môn thi đấu đối kháng, bắn súng nhẹ hơn về thể lực nhưng căng thẳng đầu óc, chính vì thế trong mỗi trận đấu Trịnh Thu Vinh không dám thả lỏng bản thân dù chỉ một chút vì sợ phân tâm. Chỉ sau một năm bén duyên với bắn súng Trịnh Thu Vinh đã nhận 2 huy chương vàng (cá nhân, đồng đội), đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia 2018.
Trong năm 2024, tay súng Trịnh Thu Vinh đã nhận được tin vui khi giành được tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp đồng đội tại giải bắn súng vô địch châu Á 2024 cùng nam xạ thủ Phạm Quang Huy. Đây cũng là thành tích giúp Trịnh Thu Vinh nhận tấm vé tham dự Olympic Paris 2024.
Mặc dù hơi tự ti khi vai hơi lệch vì luyện tập nhưng Trịnh Thu Vinh vẫn tự hào với lựa chọn của mình. Cô vui khi được những người hâm mộ khen trông ngầu lắm, thành tích ổn định nên cũng giúp được một ít kinh tế cho gia đình, bố mẹ đỡ khó khăn hơn trước. “Tôi muốn mang tới Olympic Paris 2024 một Thu Vinh khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng để thi đấu, cống hiến hết mình cho thể thao Việt Nam” – nữ VĐV chia sẻ.
4. Tay súng Lên Thị Mộng Tuyền (súng trường)
Bước vào cấp 2 trong khi chọn tham gia phong trào của trường, Lê Thị Mộng Tuyền đã lựa chọn bộ môn bắn súng vì muốn thay đổi tính cách nhút nhát của mình và giúp bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Tuyền thường ở lại sau giờ tan học để luyện tập và bắt đầu nhen nhóm ước mơ theo đuổi môn thể thao này. Tuy nhiên những ngày đầu gia đình Tuyền phản đối vì cho rằng VĐV có tuổi nghề ngắn và không ổn định.
Để chứng minh Lên Thị Mộng Tuyền bắt đầu tham gia những cuộc thi nhỏ với súng trường cự ly 10m và đạt kỷ lục thanh thiếu niên. Sau khi có thành tích thì Tuyền được tập trung tại đội tuyển bắn súng TP.HCM. Ở đây cô phát huy năng khiếu bản thân dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia Park Chung Gun, HLV Nguyễn Thị Nhung và thầy Nguyễn Duy Hoàng.
Tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022, Lê Thị Mộng Tuyền đoạt 3 HCV và xác lập 4 kỷ lục đại hội. Sau đó, cô còn giành HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á. Tại Giải bắn súng vô địch châu Á 2024, xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền đã xuất sắc lọt vào loạt bắn chung kết nội dung 10m súng trường hơi nữ và tranh 2 suất tham dự Olympic với VĐV Amini Pozveh (Iran) và Huiyi Tan (Singapore). Cuối cùng Tuyền vượt qua họ và nhận chiếc vé dự Olympic Paris 2024.
Mặc dù các tuyển thủ của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đều rất mạnh và ở độ tuổi 15, 16 nhưng thành tích của Lê Thị Mộng Tuyền vẫn tạo nên sự bất ngờ cho giới chuyên môm. Bởi nội dung súng trường vốn không phải thế mạnh của bắn súng Việt Nam ở khu vực lẫn thế giới, hơn nữa Tuyền mới chỉ có 4 năm luyện tập chuyên nghiệp.
“Tôi sẽ biến những áp lực thành động lực để phấn đấu đạt được mục tiêu. Đó cũng là điều thôi thúc tôi phải tập luyện thật chăm chỉ. Phải nỗ lực thi đấu vì bản thân, vì gia đình và Tổ quốc”, Lên Thị Mộng Tuyền chia sẻ về chiếc vé tham dự Olympic Paris 2024.
5. Võ sĩ boxing Võ Thị Kim Ánh
“Boxing mang lại cho tôi nhiều thứ, đặc biệt nhất là sự gan dạ”, với gương mặt còn vết bầm, Võ Thị Kim Ánh hạnh phúc chia sẻ câu chuyện về hành trình theo đuổi boxing của mình sau khi là người đầu tiên của bộ môn này trực tiếp giành được chiếc vé vòng loại Olympic môn boxing.
Với tính cách hiếu động, Ánh tham dự Hội khỏe Phù Đổng ở địa phương và sau đó được các thầy chuyên môn Thể thao An Giang mời tham gia tâp boxing. Cứ như thế đến năm 24 tuổi, trải qua hơn 10 đồng hành cũng boxing, vượt qua những rào cảm tâm lý khi gia đình không thích chuyện con em mình tập luyện võ, đặc biệt là boxing với găng tay, quần ngắn và rất dễ gặp chấn thương, Võ Thị Kim Ánh luôn thể hiện khí thế không bị khuất phục trên sàn đấu.
“Quyết tâm thể hiện hết khả năng là điều tôi luôn đặt ra cho mình”, chính tinh thần này cùng với sự động viên và ủng hộ từ ông nội, Võ sĩ boxing Võ Thị Kim Ánh đã liên tiếp đạt được những thành tích ấn tượng. Ánh lọt vào chung kết hạng cân 52kg-54kg nữ ở môn boxing của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9 năm 2022, đạt huy chương Vàng tại Giải boxing quốc tế Thái Lan và vượt qua 40 VĐV khác cùng hạng cân ở vòng loại Olympic năm nay.
“Chắc chắn không ai là không bị đau khi tập luyện, cả sau thi đấu, nhưng sau mỗi lần như thế, tôi luôn quyết tâm mình phải chuẩn bị chuyên môn thành công để giành được kết quả tốt nhất”, đây là quyết tâm của Kim Ánh mỗi lần bước lên võ đài và Olympic Paris 2024 không là ngoại lệ.
6. VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh
Từng có ý định giải nghệ vì bị cấm thi đấu 4 năm khi trong một cuộc kiểm tra doping ngẫu nhiên của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF). Thời gian IWF kiểm tra là vào lúc luyện tập chứ chưa chính thức thi đấu, trùng hợp với thời điểm Vinh tự ý dùng thuốc chữa chấn thương lưng mà không phát hiện thành phần thuốc có chứa chất testosterone ngoại sinh và một chất khác. Sau khi bị cấm thi đấu và bị phạt 5.000 USD, Vinh “chán nản và mất động lực”.
Vậy mà chính thời điểm khủng hoảng đó, việc tập luyện giúp Vinh quên đi thực tại, quên đi suy nghĩ muốn giải nghệ. Trịnh Văn Vinh bắt đầu với môn thể thao này nhờ được HLV Đỗ Đình Du phát hiện và thuyết phục gia đình cho về Trung tâm huấn luyện thể thao Bắc Ninh để rèn luyện, sau đó đầu quân cho đội cử tạ Công an nhân dân. Kể từ đó Vinh liên tiếp gặt hái được những thành công khi nổi lên như đô cử nam hàng đầu hạng 62kg ở độ tuổi 20.
Liên tiếp giành HC vàng, HC bạc tổng cử ở giải vô địch châu Á 2016, HC vàng cử giật giải vô địch thế giới 2017, đô cử mạnh nhất Đông Nam Á và đang là đương kim á quân Olympic, được chọn vào nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm cho Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên mọi thứ sụp đổ khi Vinh bị cấm thi đấu: “Không dễ dàng gì khi ngày qua ngày chỉ tập, rồi nhìn đồng đội thi đấu. Động lực lớn nhất là dự Olympic giữ tôi tiếp tục tiến lên.”
Sau khi hết thời gian cấm thi đấu, đầu năm 2023 Trịnh Văn Vinh đã được triệu tập trở lại đội cử tạ quốc gia để chuẩn bị cho giải vô địch châu Á vào tháng 5 tới. Dù không có nhiều thành tích nhưng đây là bước đầu để Vinh lần lượt dự giải vô địch thế giới ở Arab Saudi và ASIAD 19 ở Trung Quốc, lần lượt đứng thứ tám và sáu chung cuộc. Và vào tháng 2 năm 2024 Vinh trở lại giải vô địch châu Á ở Uzbekistan, giành 2 huy chương đồng, đứng thứ 6 chung cuộc và tấm vé dự Olympic đến Paris vào tháng 7 này.
“Tôi đặt mục tiêu giành huy chương Olympic. Tôi đã vượt qua hành trình khó khăn và muốn tiếp tục ghi dấu ấn cho thể thao nước nhà”, Vinh bày tỏ quyết tâm khi chuẩn bị đối mặt với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Philippines.
7. Tay vợt Nguyễn Thùy Linh
Từ khi còn là một cô bé học sinh lớp 2, Nguyễn Thùy Linh được ông nội tặng cho một cây vợt xịn và dắt theo cùng đến các buổi tập phong trào ở địa phương vào mỗi buổi chiều. Kể từ đó Linh nhanh chóng bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu của mình. Mỗi giai đoạn ông nội luôn là người đồng hành và hỗ trợ cô có những điều kiện tốt nhất có thể để theo đuổi cầu lông.
Từ lớp năng khiếu của HLV Dương Thị Liên – Hà Nội, cho đến khi đầu quân một đơn vị ở Đà Nẵng, chỉ trong 4 năm Nguyễn Thùy Linh đã có những bước chuẩn bị tốt từ thể lực, các kỹ năng bài bản, lối đánh thông minh và một tinh thần mạnh mẽ. Linh đã liên tiếp giành được những thành tích cá nhân suất sắc tại các giải đấu.
Bắt đầu với huy chương đồng tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, trở thành tay vợt số 1 của cầu lông nữ Việt Nam khi giành được tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Tại đấu trường quốc tế này, Nguyễn Thùy Linh đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh để tiến đến vị trí thứ 46 trên bảng xếp hạng tay vợt hàng đầu thế giới. Thường xuyên đi du đấu một mình, Nguyễn Thùy Linh được ví như ‘ngôi sao cô đơn’ của Thể thao Việt Nam
Và cho đến cuối năm 2023, Nguyễn Thùy Linh hét lên trong niềm vui sướng tột cùng sau khi đánh bại tay vợt từng giành HCV Olympic – Carolina Marin tại giải cầu lông Trung Quốc Masters 2023. Đây cũng là tay vợt có thứ hạng cao nhất mà Linh từng đánh bại trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình. Chiến thắng đã giúp Nguyễn Thùy Linh trở thành vận động viên thứ 7 của thể thao Việt Nam giành vé dự Olympic Paris 2024.
Hiện tại tay vợt người Phú Thọ có 48.350 điểm, xếp hạng 17/35, thuộc nhóm 2 ở kết quả bốc thăm chia bảng tại Olympic 2024.
8. Tay chèo rowing Phạm Thị Huệ
Với độ tuổi 34, Phạm Thị Huệ đã bắt đầu giảm lại những kỳ vọng của bản thân đối với sự nghiệp vận động viên của mình. Cô từng chia sẻ cách đây 3 năm: “Ở độ tuổi của tôi, thật khó để một lần nữa quay lại với đấu trường Olympic. Nhưng tôi vẫn có rất nhiều niềm tin vào thế hệ vận động viên trẻ. Trong tương lai gần, các em sẽ làm được điều đó”.
Nhưng đối với những người yêu thích bộ môn đua thuyền, cái tên Phạm Thị Huệ không chỉ quen thuộc mà còn khiến người hâm mộ cảm động khi 2 lần quyết định nhường vinh dự cho đồng đội tham dự Olympic, dù cá nhân cô cũng đạt đủ các tiêu chuẩn. Khi được chọn tham gia vòng loại đua thuyền Olympic châu Á, Huệ không còn nhiều tự tin, thậm chí tự nhận thấy bản thân không còn được như 8 năm trước nhưng lại một lần nữa cô cán đích trong top 5.
“Ngay khi bắt đầu xuất phát, tôi tự động viên phải cố gắng, không được nản chí và bỏ cuộc. Đó là động lực giúp tôi vượt qua mệt mỏi, đưa thuyền về đích nhanh nhất. Sau khi cán đích và được thông báo mình có vé đến Olympic 2024, tôi đã vỡ òa cảm xúc, mọi cố gắng trong thời gian qua đã mang về thành quả ngọt ngào”, Phạm Thị Huệ xúc động.
Phạm Thị Huệ đã xuất sắc giành vé dự Olympic Paris 2024 ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng môn Rowing. Đây là một trong số hai bộ môn thể thao đua thuyền hiện đại, các VĐV Rowing thường sử dụng một chiếc thuyền dài và hẹp được đẩy bằng mái chèo. Người chèo thuyền ngồi quay mặt về phía sau và sử dụng mái chèo có lưỡi phẳng để đẩy nước theo đường thẳng, thường là trong môi trường cạnh tranh hoặc đồng đội.
Vì trải qua một khoảng thời gian dài chờ đợi, những cảm xúc tiếc nuối khi nhìn thành tích nỗ lực của bản thân trong mỗi trận đấu bị hoãn lại nên tấm vé thứ 8 sau 8 năm càng trở nên có ý nghĩa. Niềm vui của Huệ giờ đã được giải tỏa khi cô nở nụ cười hạnh phúc với tấm vé đến Olympic Paris 2024 này.
9. Tay chèo canoeing Nguyễn Thị Hương
“Hương là đứa chèo thuyền…cao nhất Việt Nam!” đó là lời đùa của HLV Nguyễn Việt Phương dành cho cô học trò sinh năm 2001, có chiều cao khiêm tốn và tay chân có sải ngắn so với dân đua thuyền chuyên nghiệp. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự nỗ lực và ý chí của Hương khi đạt được những kết quả thi đấu tuyệt vời hiện tại.
Ban đầu Hương được các HLV thể thao Vĩnh Phúc phát hiện tố chất thể thao khi cô bé đang theo học trường cấp 2 tại tỉnh. Khi đó Hương là gương mặt của đội đẩy gậy trường THCS huyện Đôn Nhân và giành HCV ở giải Hội khỏe Phù Đổng. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Vĩnh Phúc thuyết phục được gia đình để Hương xa nhà lên thành phố theo sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp nhưng là ở môn vật tự do nữ.
Tuy nhiên sự nghiệp đô vật của Hương không kéo dài lâu khi đội đô vật Vĩnh Phúc giải tán. Lúc này các thầy cô đã hướng cho Hương bước sang một ngã rẽ mới trong sự nghiệp khi trở thành vận động viên chèo thuyền bộ môn canoeing. Đây là môn chèo mà các VĐV có thể tham gia một mình hoặc theo cặp trên một chiếc thuyền nhỏ, hẹp. VĐV chèo thuyền thường quỳ hoặc ngồi trên ghế cao và sử dụng mái chèo một cánh để đẩy thuyền qua nước.
Ở bộ môn mới này Nguyễn Thị Hương gặp lại người thầy Nguyễn Việt Phương từng là HLV ở đội đô vật nữ. Sau những giai đoạn khởi động lại khó khăn, trong 2 năm trở lại đây Hưỡng đã bắt đầu gặt hái được những thành tích xuất sắc với 5 HCV cá nhân tại SEA Games 31, là thành viên đội thuyền truyền thống (thuyền rồng) của Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu và giành 3 HCV ở SEA Games 32.
Tại giải vòng loại Olympic môn canoeing tổ chức ở Nhật Bản mới đây, Nguyễn Thị Hương đã xuất sắc giành được tấm vé Olympic Paris 2024. Hương đã làm nên lịch sử cho đua thuyền canoeing Việt Nam khi lần đầu tham dự giải đấu Olympic.
Đây là 9 vận động viên đầu tiên có tên trong danh sách tham dựOlympic Paris 2024, sau đó 7 VĐV khác cũng được thông báo sẽ tham gia cùng phái đoàn Việt Nam. Danh sách 16 VĐV dã được công bố:
- VĐV Nguyễn Huy Hoàng, VĐV Võ Thị Mỹ Tiên (bơi)
- VĐV Nguyễn Thùy Linh, VĐV Lê Đức Phát (cầu lông)
- VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp)
- VĐV Hoàng Thị Tình (judo)
- VĐV Võ Thị Kim Ánh, VĐV Hà Thị Linh (boxing)
- VĐV Trịnh Thu Vinh, VĐV Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng)
- VĐV Đỗ Ánh Nguyệt, VĐV Lê Quốc Phong (bắn cung)
- VĐV Phạm Thị Huệ (rowing)
- VĐV Nguyễn Thị Hương (canoeing)
- VĐV Trần Thị Nhi Yến (điền kinh)
- VĐV Trịnh Văn Vinh (cử tạ)