#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Vì sao chúng ta cứ xem thứ mình đã thuộc lòng thay vì xem một chương trình mới?
Tiết kiệm năng lượng
Xem TV được coi là một công việc đòi hỏi ít năng lượng – ít hơn nhiều so với việc đi đến rạp chiếu phim hay nhà hát. Giai đoạn tiêu tốn năng lượng nhất của toàn bộ quá trình chính là lúc chọn gì để xem.
Đây cũng là lý do vì sao nhiều người thích ‘cày’ phim (binge watch). Chỉ cần bật TV hoặc đăng nhập vào các nền tảng streaming như Netflix, Disney+,… rồi cứ thế xem liền tù tì hết tập này sang tập khác, xong mùa một đến mùa hai.
Cho dù có nhiều mục đích khác nhau, thì với phần đông trong số chúng ta, xem phim vẫn là để thư giãn. Mà đã thư giãn thì cứ cái gì dễ nhất, đỡ tốn sức nhất mà làm. Việc xem lại các chương trình đã xem là một cách để tránh đưa ra lựa chọn, từ đó tiết kiệm được năng lượng.
Thiên kiến hiện trạng
Theo một cách tự nhiên, chúng ta xem sự thay đổi là tốn kém và không an toàn. Nếu lợi ích của giải pháp mới / giải pháp thay thế không lớn hơn sự bất an chúng ta cảm thấy khi phải lựa chọn giải pháp đó, thì chúng ta không hành động để thay đổi.
Điều này dẫn đến thiên kiến hiện trạng (status-quo bias) – khi chúng ta lựa chọn những quyết định trước đây, ngay cả khi có thể lựa chọn điều tốt hơn. Về cốt lõi, status-quo bias là về sự an toàn.
Tiếp tục công việc hiện tại mặc dù nó chán ngắt, vì tìm việc mới quá nhiêu khê, chưa kể có khi sẽ còn chán hơn. Mua sắm ở một cửa hàng duy nhất vì nơi khác có thể bán hàng đểu, nhân viên có khi không dễ thương bằng. Và xem lại những show đã xem mòn thay vì chọn một cái tên mới để thử vì biết đâu mình sẽ không thích nó thì sao?
Không cần cam kết
Với sự ra đời của hằng hà sa số các chương trình truyền hình hiện nay, không khó khăn để chọn xem một show bất kỳ, nhưng cũng không dễ dàng để tìm ra một chương trình mình thật sự yêu thích giữa rất nhiều những thứ na ná nhau.
Xem show mới cũng được… nhưng ý tưởng về việc dành thời gian để xem toàn bộ các tập hay các mùa có thể gây choáng ngợp với nhiều người. Đi kèm với sự hào hứng mới mẻ luôn là rủi ro. Lỡ như nhân vật bạn yêu thích chết vào tập sau? Lỡ như series bạn phát cuồng lại kết thúc một cách vô cùng không-hiểu-kiểu-gì? Nếu điều đó xảy ra, bạn có xem tiếp nữa không?
Một trong những lợi ích chính của việc xem lại những gì đã xem, đó là chúng ta không cần phải cam kết. Chúng ta không cần theo dõi xuyên suốt, thậm chí chỉ cần xem lại vài tập mỗi mùa cũng được. Có hề gì đâu khi nội dung mình đã biết?
Đây cũng là lý do tại sao các series sitcom luôn nằm trong top các chương trình được khán giả xem đi xem lại, vì đa phần chúng không có cốt truyện xuyên suốt, hoặc nếu có thì cũng trải dài qua rất nhiều mùa, việc khán giả bỏ lỡ vài tập hoặc thậm chí vài mùa cũng không ảnh hưởng gì đến câu chuyện chính của series.
Hoài niệm
Theo Clay Routledge – nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Bang North Dakota – có hai dạng hoài niệm: những nỗi nhớ nhung về quá khứ nói chung, và quá khứ của một người nói riêng.
Xem lại những chương trình mình đã từng xem vô tình đáp ứng cả hai dạng hoài niệm này. Chúng ta vừa có thể nghĩ về những ngày đã qua (Hồi đó lúc chưa có Netflix, chiều nào mình cũng xem phim này trên đài.), vừa tự do quay về những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời (Hồi đó lúc còn Đại học mình với mấy đứa bạn thích xem phim này lắm.)
Đôi khi chúng ta xem lại một chương trình hay một series phim nào đó không phải vì nội dung của nó, mà vì những cảm giác của lần đầu tiên xem nó. Chúng ta đã là ai, chúng ta đã xem nó cùng với ai, lý do đã khiến chúng ta xem chương trình này,…
Cũng như con người hay đồ vật, có những chương trình truyền hình gắn liền với những kỷ niệm, những quãng thời gian chúng ta mãi không thể quên. Vì thế, trong trường hợp này việc xem lại những gì đã xem cũng như được gặp lại cố nhân vậy.
Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên
Càng tiếp xúc với ai đó nhiều, bạn càng cảm thấy gần gũi với họ. Đơn giản vậy thôi. Ngoại lệ có xảy ra nếu đó là những người gây ảnh hưởng xấu hoặc làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực nơi bạn. Nhưng nhìn chung, hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (Mere Exposure Effect) chỉ ra rằng chúng ta phát triển lòng yêu mến với những người mà mình được tiếp xúc nhiều lần.
Bằng cách xem lại các chương trình đã xem, bạn sẽ cảm thấy các nhân vật gần gũi hơn, thân thương hơn, dễ đồng cảm hơn. Có lẽ bạn đã từng nghe ai đó nói thế này, “Ôi lần đầu xem phim này mình không hiểu lắm, giờ xem lại thấy thương … ghê!”. À thì… tác dụng của hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên đấy.
Ngoài ra, khi chúng ta cảm thấy buồn hay bất an, chúng ta thường muốn tìm đến những gì thân thuộc, những người mà ta biết rõ, vì họ cho ta cảm giác an toàn. Chúng ta không muốn gặp gỡ người lạ – những người mà ta chưa biết gì về họ, cũng như chưa thể xác định một cách nhìn nào với họ cả. Chúng ta cần bạn bè, ngay cả khi họ chỉ là những nhân vật phía sau màn hình.
Kết
Đây là 3 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trong năm 2020, tính theo số phút được stream. Số liệu được thu thập bởi Broadband Deals và được công bố vào tháng 1/2021.
The Office (Mỹ) – 57.177 tỉ
Grey’s Anatomy – 39.405 tỉ
Criminal Minds – 35.414 tỉ
Và danh sách những chương trình được xem lại nhiều nhất trong năm 2020, với con số thể hiện tỉ lệ khán giả đã xem nhiều hơn một lần
Friends – 63%
Peep Show – 59%
The Office (Mỹ) – 55%
Brooklyn 99 – 53%
RuPaul’s Drag Race – 51%
The Office – chương trình được xem nhiều nhất trong năm 2020 đã kết thúc 7 năm về trước. Và trong danh sách được xem lại, những cái tên đứng đầu vẫn là những sitcom hài hước thiên về tình cảm, đời sống. Trong bối cảnh đại dịch bùng nổ, khi tất cả chúng ta phải ở yên trong nhà, thì có lẽ TV / các dịch vụ xem trực tuyến đã trở thành một trong những nguồn an ủi tuyệt vời nhất.
Việc xem lại các chương trình đã xem cho phép chúng ta cảm thấy bớt cô đơn, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại. Mối liên kết với các nhân vật trên phim giúp tạo ra được ‘kết nối’ ngay tại nhà mình – thứ chúng ta đang tạm thời bị gián đoạn. Ngoài ra, nó còn được chứng minh là làm giảm lo lắng và các triệu chứng trầm cảm.
Điều này chỉ trở thành vấn đề nếu chúng ta xem lại các chương trình như một cách để sống mãi trong quá khứ. Những khoảnh khắc đã qua dù đẹp đến mấy cũng không thể nào trở lại. Việc cố giam mình vào một thời điểm nhất định và kiềm hãm sự phát triển của bản thân để mãi ở nguyên nơi ấy là việc vô nghĩa. Đừng lý tưởng hóa quá khứ và từ chối tận hưởng hiện tại, cho dù hiện tại có thể không đẹp bằng.
Xem thêm:
#Nghĩ: Hãy tập làm bạn với cơn giận
#Nghĩ: White Knight Syndrome – Khi “hiệp sĩ trắng” bước ra từ văn thơ lại không như bạn nghĩ
#Nghĩ: Vì sao chúng ta trì hoãn và né tránh những việc nên làm?
#Nghĩ: Quá khứ vốn sẵn hồng hay là mình tự vẽ?
Thảo luận về bài viết