Người hướng nội chiếm khoảng 40% dân số, tuy nhiên họ cũng là nhóm người hay bị hiểu lầm nhất. Vậy đâu là những quan niệm sai lầm và những “lời đồn” sai sự thật thường gặp về những người thuộc nhóm tính cách này?
#1 – Người hướng nội yên lặng không có nghĩa là họ nhút nhát
Khi thấy một người hay im lặng, chúng ta thường cho rằng họ là người nhút nhát, rụt rè. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn các khái niệm hướng nội, nhút nhát, và lo âu xã hội.
Một số người hướng nội sẽ có cảm giác rụt rè, thiếu tự tin, hoặc có triệu chứng lo âu xã hội khi phải tương tác với người khác. Song đây không phải là đặc điểm chung của những người có thiên hướng tính cách hướng nội. Chính xác hơn, họ có xu hướng dè dặt và hướng vào bên trong nhiều hơn.
Check-list những thứ ưa thích của người hướng nội sẽ bao gồm: nghĩ trước khi nói, tìm hiểu về ai đó kỹ càng trước khi quyết định sẽ thân với họ hay không, trò chuyện một cách thân mật và cởi mở thay vì chat chit xã giao. Vì thế, nếu gặp ai đó có vẻ dè dặt và không hay lên tiếng, đừng vội kết luận rằng họ là người nhút nhát hoặc sợ nói chuyện với người khác.
#2 – Người hướng nội cần nạp lại năng lượng không có nghĩa là họ đang tức giận hoặc bị trầm cảm
Là một người hướng nội, đã bao giờ bạn bị ai đó hỏi rằng “Sao cậu dễ giận thế?” hay “Sao cậu cứ buồn như vậy?” chỉ vì bạn cần ở một mình chưa?
Sau một quãng thời gian tương tác xã hội, người hướng nội cần ở một mình và dùng trạng thái yên tĩnh để “sạc” lại năng lượng. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, người khác lại nhìn nhận mong muốn này thành một loại cảm xúc tiêu cực – rằng họ đang tức giận, trầm cảm, ủ rũ, lo âu.
#3 – Người hướng nội có thể cảm nhận được niềm vui không?
Câu trả lời là có. Họ hoàn toàn có khả năng cảm nhận và tận hưởng niềm vui. Chúng ta có thể thấy họ khá im lặng trong một đám đông, hoặc không mấy tham gia vào các hoạt động trong một bữa tiệc, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thấy vui.
Dù là hướng nội, hướng ngoại, hay kết hợp giữa hai thiên hướng tính cách này, thì ai cũng có thể cảm nhận niềm vui, chỉ là định nghĩa niềm vui của mỗi người khác nhau. Nếu người hướng ngoại tìm niềm vui bằng cách tương tác, thì người hướng nội lại thấy vui khi được quan sát và ngẫm nghĩ.
#4 – Người hướng nội hoàn toàn không thô lỗ
Khi lần đầu gặp gỡ ai đó, chúng ta thường khá dè dặt và thận trọng. Điều này sẽ dần thay đổi theo thời gian khi cả hai đã biết nhiều hơn về nhau. Tuy nhiên, quãng thời gian chuyển đổi này với người hướng nội có thể sẽ kéo dài, đồng thời tần suất im lặng của họ cũng nhiều hơn. Vì thế, người khác dễ nghĩ rằng người hướng nội không cởi mở, không thiện chí, thậm chí thô lỗ.
Thay vì mặc định sự dè dặt ban đầu này là hành vi thô lỗ hoặc gây hấn, chúng ta cần hiểu rằng thời gian “warm-up” của mỗi người khác nhau, và người bạn hướng nội của chúng ta đơn giản chỉ đang cần hiểu rõ bạn trước khi có thể thoải mái cởi mở.
#5 – Người hướng nội không lập dị
Theo một số thống kê, có ít nhất 40% dân số là người có thiên hướng tính cách hướng nội. Con số này đủ để chúng ta thấy rằng hướng nội không phải điều gì đó thiểu số, kỳ cục, quái lạ, hay lập dị.
Nếu ai đó hay một sự vật, hiện tượng nào đó khác biệt với số đông theo cách khiến người khác thấy ngạc nhiên, chúng ta hay gọi họ là “lập dị”. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều lập dị theo những cách khác nhau. Vài người chọn che giấu, số khác lại muốn tôn vinh khía cạnh khác biệt này.
Người hướng nội đôi khi bị gắn nhãn là người kỳ cục. Nhưng liệu như thế có bất công hay không khi họ chỉ đơn giản chọn không che giấu những gì mình thực sự quan tâm và muốn theo đuổi, cho dù nó không quá phổ thông cũng không nằm trong xu hướng?
#6 – Người hướng nội cần ở một mình, nhưng không phải mọi lúc
Người hướng nội cần những quãng thời gian một mình để lấy lại phần năng lượng đã sử dụng cho các hoạt động trong ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ tránh né loài người mọi lúc. Họ vẫn thích dành thời gian cho người khác, đặc biệt là những người khiến họ thấy thoải mái và được là chính mình.
#7 – Người hướng nội không mắc chứng ám ảnh sợ không gian rộng
Khi hỏi người hướng nội thích gì, câu trả lời thường nhận được sẽ là: thích ở nhà, thích ở trong phòng riêng, thích ở bên gia đình, … Dù câu trả lời là gì, điểm chung của chúng sẽ là những hoạt động trong nhà (indoors), do đó nhiều người hay cho rằng người hướng nội mắc chứng ám ảnh sợ không gian rộng.
Điều này (tất nhiên là) không chính xác. Vẫn có những người vừa hướng nội vừa mắc chứng ám ảnh sợ này, nhưng con số đó chắc chắn không lớn đến mức mang tính đại diện.
#8 – Người hướng nội không ghét bỏ người khác
Có thể dễ dàng thấy rằng đa số người hướng nội sẽ không “vồ vập” trong tương tác xã hội. Nếu họ hứng thú với bạn, thì sự hứng thú đó cũng không thật sự dễ nhận thấy. Do đó, họ dễ bị hiểu lầm là những người thờ ơ, thậm chí chống đối xã hội.
Trên thực tế, người hướng nội không thù hằn hay ghét bỏ gì ai. Họ rất quan tâm nữa là đằng khác! Chỉ vì chúng ta không nhìn thấy điều gì không có nghĩa là nó không tồn tại. Nếu bạn cho rằng người hướng nội thờ ơ, dửng dưng, hãy thử “dẫn dụ” họ nói về thứ họ quan tâm hoặc yêu thích, để xem họ có lập tức trở nên thành phần “nhiều lời” nhất hay không.
#9 – Người hướng nội vẫn có lòng tự tôn
Người hướng nội thường bị hiểu lầm rằng có lòng tự tôn thấp và thiếu tự tin, lý do vì họ thường yên lặng và khá dè dặt.
Quan niệm sai lầm này tai hại hơn những “lời đồn” khác ở chỗ nó có thể thật sự dẫn đến tình trạng mất niềm tin vào bản thân ở người hướng nội – một dạng “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (self-fulfilling prophecy).
Lấy ví dụ những đứa trẻ có thiên hướng tính cách hướng nội. Các đặc điểm hướng nội thường được nhìn nhận là tiêu cực, do đó, trẻ em hướng nội thường được khuyến khích “phải năng động lên”. Không những thường xuyên bị đẩy vào các tình huống bắt buộc tương tác, các em còn liên tục tiếp xúc với nhận định rằng tính cách của mình có vấn đề.
Do chưa có năng lực biện giải, những hành động trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức bản thân ở trẻ em. Về lâu dài, các em sẽ tự nghi ngờ và không còn tin tưởng vào giá trị bản thân, cho rằng mình quả thực có vấn đề.
#10 – Người hướng nội không “hỏng hóc”, vì thế họ không cần phải được “sửa chữa”
Những đứa trẻ hướng nội thường chịu áp lực từ gia đình, nhà trường, bạn bè để trở nên năng động hơn, và những người lớn hướng nội cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Trong những xã hội và nền văn hóa xem trọng các phẩm chất gắn liền với tính hướng ngoại, thì thiên hướng tính cách hướng nội thường bị xem là một trở ngại, và người hướng nội thường được khuyến khích rằng cần phải vượt qua những trở ngại này.
Chỉ định một học sinh trầm lặng làm trưởng nhóm, phân công một thành viên dè dặt vào ban đối ngoại câu lạc bộ, hoặc bắt cặp một người hướng nội nhất với một người hướng ngoại nhất trong bất kỳ hoạt động nào là kết quả của suy nghĩ người hướng nội cần phải luyện tập nhiều hơn để vượt qua sự trầm lặng này.
Thành thật mà nói, thế giới chúng ta đang sống không phải là môi trường lý tưởng dành cho người hướng nội. Việc có cho mình, hoặc ít nhất là thể hiện ra, những đặc điểm gắn liền với tính hướng ngoại sẽ có lợi thế trong công việc và cuộc sống. Thế nhưng hướng nội hay hướng ngoại thì sau cùng vẫn chỉ là những đặc điểm tính cách khác nhau. Hướng nội chắc chắn không phải trở ngại, và người hướng nội cũng không cần được “sửa chữa”.
Rụt rè quá mức hay lo âu xã hội sẽ là những vấn đề cần giải quyết khi chúng làm cản trở cuộc sống. Nhưng chúng cần được tiếp cận với sự thấu cảm, lòng yêu thương, và bằng một cách thức chuyên nghiệp. Việc bắt buộc một ai đó phải tham gia vào những tình huống khiến họ không thoải mái hoặc khi họ chưa sẵn sàng tuyệt nhiên không phải là cách phù hợp để xử lý vấn đề.
Hướng ngoại hay hướng nội đều có ưu, khuyết điểm riêng. Điều cần quan tâm là làm thế nào để hạn chế những mặt yếu và phát huy những mặt mạnh, chứ không phải là “đập bỏ” một người hướng nội để “xây lại” họ thành người hướng ngoại.
#11 – Đừng biến mình thành người vô ý tứ và thô lỗ bằng cách nói với người hướng nội rằng “Cậu im lặng quá đấy”
Không phải mỗi người hướng nội mới bị hiểu lầm. Người hướng ngoại cũng thường được gắn nhãn là những người ồn ào, tăng động, bộp chộp, và nói quá nhiều.
Đừng tự biến mình thành người vô ý tứ và thô lỗ khi nhận xét người hướng nội là “Cậu im lặng quá đấy!” hay phàn nàn với người hướng ngoại rằng“Sao cậu nói lắm thế nhỉ?”. Những lời nhận xét này vừa sai lệch vừa hoàn toàn không cần thiết. Nói thế chẳng khác nào ngầm bảo rằng tính cách của người khác có vấn đề.
Ngoài ra, chúng ta cần biết rằng không phải tất cả những người hướng nội (hoặc hướng ngoại) đều giống nhau. Việc ai đó tự nhận rằng thích ở một mình hay thích tương tác với người khác không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ bản sắc cá nhân để “gọt giũa” mình cho phù hợp với những tiêu chí mô tả người hướng nội hoặc hướng ngoại. Mỗi chúng ta đều là những cá thể khác biệt và xứng đáng nhận được sự tôn trọng dành cho những khác biệt này.
(Tham khảo: Verywellmind;
Ảnh minh họa: Aaron Caycedo-Kimura)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hướng nội nhưng vẫn cuốn hút
Người hướng nội và 6 ‘đặc điểm tính cách’ mà chúng ta nên ngừng cho là thật
“Chân cứng đá mềm” đi dự tiệc và trăm suy nghĩ bộn bề của người hướng nội
Thảo luận về bài viết