Những thứ mới mẻ khơi gợi sự hào hứng của chúng ta. Nhiều người thường “tận dụng” mốc thời gian để đánh dấu cái mới, kiểu sang năm đổi việc, hết mùa thu chuyển nhà, hoặc “tình yêu gục chết sau đêm mùa xuân”. Năm mới, học kỳ mới, giai đoạn mới trong đời, … đồng nghĩa với khởi đầu mới, hay ít nhất là một cái cớ để thay đổi. Nhưng với phần đông millennials, câu chuyện năm-mới-tôi-mới có thể diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm.
Khởi đầu mới bảo chứng cho một kết thúc tốt đẹp
Khái niệm “khởi đầu mới”, “cuộc sống mới” nay đã chẳng xa lạ gì với những người trẻ thuộc thế hệ millennials. Khác với ông bà, cha mẹ – thế hệ chú trọng hơn vào việc tái thiết lập cuộc sống sau chiến tranh, các thế hệ sau này không quá đặt nặng chuyện an cư lạc nghiệp, đặc biệt là trong độ tuổi 20-30. Thay vào đó, chúng ta khuyến khích việc phát triển bản thân, suy nghiệm về mục đích và ý nghĩa sự tồn tại của chính mình.
Có nhiều cách để phát triển, và đi là một trong số đó. Những chuyến đi đánh dấu cột mốc, những nhân vật, những bức ảnh, bài báo về đi để trưởng thành được yêu thích và chia sẻ đầy mạng xã hội đã gieo vào đầu chúng ta ý niệm: nếu không “lên đường”, bạn chỉ là một người hèn nhát, không dám thoát khỏi vùng an toàn, và (tất nhiên) sẽ chẳng thể nào tìm thấy chính mình như hàng nghìn người khác đã chọn việc đi.
Thêm vào đó là xu hướng lãng mạn và lý tưởng hóa những chuyến đi của văn hóa đương đại (pop culture). Liz trong Ăn, Cầu Nguyện, Yêu đã tìm lại được chính mình và học cách yêu thương bản thân sau hành trình qua 3 đất nước. Hay Jess trong series New Girl cũng thế. Tất cả đều “hứa hẹn” với chúng ta một niềm tin rằng, sẽ luôn có một kết thúc đủ tốt đẹp và đủ ý nghĩa chờ đợi sau mỗi chuyến đi.
Millennials và sự ám ảnh của khởi đầu mới
Millennials – những đứa trẻ thiên niên kỷ – là thế hệ sinh ra và lớn lên với thời khắc nhân loại chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, với một món quà mang tính cách mạng là công nghệ. Thế hệ này vừa là người dùng vừa là người khởi tạo những điều mà phần đông dân số thế kỷ 20 sẽ lập tức cho rằng bất khả thi hoặc quá viển vông. Những quyết định trong đời của millennials và các thế hệ sau đó, đặc biệt là gen Z, chịu tác động rất lớn bởi thời điểm đặc biệt này.
Trẻ trung là một khái niệm có độ sai số cao. Bao nhiêu tuổi mới là trẻ tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nhưng dù cho được giới hạn trong khung tuổi nào thì một trong những định nghĩa thông dụng của tuổi trẻ vẫn là quãng đệm khi một người dần rời xa “thanh xuân bồng bột” vô lo vô nghĩ nhưng lại chưa đến lúc ràng buộc mình với những thứ ổn định. Vì thế, với nhiều người thì đây là thời điểm thích hợp nhất để dành cho bản thân, để đi tìm mình qua những cuộc dịch chuyển.
Trong quyển The Defining Decade, tác giả-nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay bày tỏ quan điểm: “Có rất nhiều cánh cửa khác đang chờ đợi bạn bước qua, vậy tội gì mà chúng ta không thử?”. Các số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 59% những người trong độ tuổi 18-35 hiện đang không sống ở quê nhà. 80% đã từng chuyển chỗ ở ít nhất một lần trong đời, không tính các trường hợp lên thành phố học Đại học. 41% không có ý định sống lâu dài tại nơi mình đang ở. Và 26% quyết định dịch chuyển vì muốn bắt đầu một lối sống hoặc một cuộc đời mới.
Millennials chiếm đến 43% tổng số người thay đổi nơi ở trong năm. Tuy nhiên, người trẻ ngày nay có xu hướng chuyển đi vì ý thích cá nhân thay vì những nguyên do mang tính truyền thống hơn như kết hôn hay mua nhà để ổn định lâu dài.
Một thế hệ mạng xã hội
Tò mò là một trong những đặc tính nổi bật của homo sapiens. Chúng ta tò mò nhằm mục đích khám phá tự nhiên và tạo kết nối với những cá thể khác. Chính đặc điểm này là thứ thúc đẩy những cuộc phiêu lưu. Khát khao được đặt chân đến những vùng đất mới, được tự do trải nghiệm và khám phá là động lực lớn để “ủn mông” người người dịch chuyển. Nhu cầu ngày càng nâng cao với sự ra đời của mạng xã hội – nơi cung cấp một cơ số vô hạn những kết nối và cơ hội mới. Từ những nền tảng ban đầu như Yahoo, MySpace, Flickr, đến nay là Facebook, Instagram, Snapchat, hay thậm chí là những nền tảng không tập trung vào hình ảnh, millennials đang sở hữu những công cụ “tham khảo” thuyết phục nhất.
Dù chưa có đề tài nghiên cứu chính thức nào về mối liên quan giữa việc dịch chuyển và nhu cầu “sống ảo”, chúng ta vẫn không thể phủ nhận sức hấp dẫn không thể chối từ của những dòng thông báo “đang làm việc tại trung tâm sầm uất XX” hoặc “chuẩn bị cho cuộc sống mới của tôi tại thành phố trong mơ YY”. Những địa danh được nhiều người biết đến không chỉ đem đến những cơ hội mới mẻ mà còn ít nhiều làm thỏa mãn lòng tự hào và nhu cầu khơi gợi lòng đố kỵ nơi người khác của một bộ phận người trẻ tuổi.
Ổn định an toàn thì nhàm chán, nhưng dịch chuyển hỗn loạn thì nguy hiểm
Khám phá, trải nghiệm, và tìm hiểu chính mình thông qua những chuyến đi hay những lần “đập đi xây lại” thật ra không có gì xấu. Nhưng nếu không hướng đến sự ổn định – nói cách khác là mãi “di chuyển” và từ chối việc ngừng lại – thì chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng rằng cuộc sống về sau sẽ gặp phải một số bất lợi nhất định.
Lấy ví dụ đơn giản, bạn có thể chuyển việc rất nhiều lần, từ vị trí này nhảy sang vị trí khác, hoặc từ lĩnh vực này chuyển đổi sang hẳn một lĩnh vực khác. Song kết quả của cuộc dịch chuyển này có tốt đẹp hay không còn tùy thuộc vào cả chuyến hành trình cũng như tư duy của bạn. Nếu cứ nhảy việc vô tội vạ theo kiểu “thấy không hợp / không thích nữa thì nghỉ” hoặc làm với tâm thế hời hợt vì “đằng nào thì tôi cũng chẳng ở lâu với công việc này”, tất cả sức lực và quãng thời gian bỏ ra cuối cùng sẽ thành vô ích, vì chúng chẳng dẫn bạn đi đến đâu cả.
Nhiều người trẻ rất sợ khi nghe nhắc đến ổn định, vì trong mắt họ ổn định có nghĩa là phải an cư, phải lạc nghiệp, phải thôi bay nhảy, thôi vui vẻ, thôi khám phá, thôi tò mò. Nhưng chúng ta quên mất một điều, là cũng như tuổi trẻ, khái niệm ổn định đã biến đổi rất nhiều thời gian qua. Nếu như ngày xưa, ổn định có nghĩa là có cho mình một công việc thu nhập đều đặn, hoặc một gia đình vợ chồng con cái đầy đủ, hoặc một tương lai có-thể-không-dư-dả-nhưng-không-bao-giờ-nghèo-đói, thì giờ đây, ổn định có thể được giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Ổn định là khi chúng ta ý thức được rằng mình không thể chỉ mãi chơi, mà còn cần phải học; là khi chúng ta hiểu rõ rằng mình không thể chỉ hưởng lấy, mà còn cần phải tạo ra. Ổn định là một trạng thái, không phải một nhà tù. Ổn định thiên nhiều hơn về tinh thần, tư duy, và hoàn toàn có thể tồn tại song song với dịch chuyển – thứ nghiêng về vật lý, thể chất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tạo được sự cân bằng giữa việc khám phá và ổn định bản thân sẽ có cá tính mạnh mẽ hơn, nhiều khả năng sở hữu một sự nghiệp triển vọng và những mối quan hệ bền vững. Họ biết kiên trì và có cái nhìn thực tế hơn so với những người có xu hướng thiên lệch về một trong hai phía.
Jennifer Tanner, một nhà khoa học phát triển ứng dụng, với nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh sự chuyển giao trong giai đoạn trưởng thành của con người, đưa ra quan điểm: “Não bộ con người sẽ trở nên mềm dẻo và dễ thích nghi trong những năm tháng đôi mươi, để bạn có thể dễ dàng thích ứng được với điều kiện của mình.”. Khi Darwin đưa ra thuyết Chọn lọc tự nhiên với quan điểm “Loài phù hợp nhất sẽ là loài sống sót”, ông không bàn đến sự phát triển về mặt thể chất hay ngoại hình, mà chính là sự hòa hợp giữa con người (loài) với môi trường sống xung quanh nó.
“Tuổi trưởng thành khao khát được khám phá, được tiếp xúc với những sự chuyển giao mới, nhưng lại không giỏi trong việc đối mặt với những cam kết và ràng buộc.” Theo Tanner, cam kết ràng buộc, hay còn bị lầm tưởng là “nhà tù của sự ổn định” thực chất chính là mối liên hệ của cá nhân đối với xã hội. Nó là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, trong cuộc sống con người. Trí óc và xúc cảm của chúng ta được lập trình để tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, nhưng chúng ta vẫn cần trạng thái ổn định này. Nếu cố gắng trốn tránh chúng vì sợ đưa ra những lựa chọn sai lầm, ta sẽ sớm đối mặt với nỗi cô đơn và tình trạng mất kết nối với xã hội, với cộng đồng, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cả lên sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con người.
Khởi đầu mới không nằm ở những lần làm lại, mà nằm trong chính chúng ta
Về bản chất, khởi đầu mới đem lại cho chúng ta sự hào hứng và cảm giác tôi-làm-được như trong giai đoạn trăng mật của một mối quan hệ – khi mọi thứ đều mới mẻ và chưa ai trong cả hai người biết hết về đối phương. Sức cám dỗ của giai đoạn trăng mật hay của bất cứ một thứ gì mới tồn tại trong cơ chế sinh học của con người. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận một thông tin mới, đi tới một thành phố mới, hay chỉ đơn giản là nhận một tin nhắn mới trong điện thoại, cơ thể ta sẽ sản sinh ra một loại hoóc môn mang lại cảm giác hạnh phúc, ở đây là dopamine.
Tuy nhiên, việc bắt đầu cuộc sống mới là một chuyện, còn làm thế nào để biến nó thành một cuộc sống tốt lại là chuyện khác. Và nếu cứ mãi bắt đầu để rồi sau đó bỏ dở, thì chúng ta cũng không bao giờ có đủ thời gian để tạo ra một kết thúc tốt đẹp nào. Đó là chưa kể với nhiều người, họ đi nhiều và khởi đầu nhiều chưa chắc vì họ thật sự mong muốn thay đổi hay tạo ra một cái gì đó mới, chỉ đơn giản do họ nghiện cảm giác trăng mật mà viễn cảnh một cuộc sống mới mang lại.
Thực tế, 22,5% những người thuộc thế hệ millennials độ tuổi 24-36 tại Mỹ vẫn còn đang sống cùng bố mẹ, và 12% trong số đó không có việc làm. Chúng ta đâu thể đổ mọi thứ cho lý do tôi-không-tìm-thấy-chính-mình? Bất kể chuyện gì cũng có giới hạn. Bạn có thể giữ mãi cho mình tâm hồn trẻ trung, đó là điều đáng quý, nhưng không ai có thể làm trẻ con mãi mãi. Tuổi trẻ cho chúng ta quyền được khám phá, được thử nghiệm, được sai, được làm lại, nhưng đến một độ tuổi nhất định, mọi chuyện sẽ phải thay đổi.
Kết
Hành trình khám phá cuộc đời, dù cho mục đích của nó là để tìm kiếm bản thân, để thử nghiệm mọi thứ, để có một việc làm yêu thích, có nơi ở phù hợp, hay để đi tìm tình yêu đích thực đời mình, chỉ trở nên thật sự ý nghĩa nếu nó góp phần giúp chúng ta trưởng thành hơn, dám đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Sự thay đổi mạnh mẽ và thuyết phục nhất không nằm ở thành phố ta muốn đến hay những người ta sắp gặp gỡ, mà nó nằm trong chính mỗi chúng ta.
THAM KHẢO
The Millennial Obsession With Starting Over – Rainesford Stauffer
More and More Millennials Are Living at Home With Mom and Dad – Kinsey Grant
Millennials Obsession With Starting Over (Evolve)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thế hệ Millennials – Tình dục suy thoái hay làm tình thông minh hơn?
Millennials liệu có phải là “Thế hệ lo âu”?
Nói quanh co – Vì sao nhiều người thích đi đường vòng?
Thảo luận về bài viết