Phobia có nguồn gốc từ từ phobos (nghĩa là kinh dị, sợ hãi) trong tiếng Hy Lạp. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, phobia – ám ảnh sợ hãi (hay còn gọi là hội chứng sợ hãi, rối loạn ám ảnh) được định nghĩa là nỗi sợ hãi phi lý tột độ đối với một vật thể hay tình huống nào đó thông thường không gây hại. Khác với cảm giác sợ hãi thông thường, ám ảnh sợ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của người bệnh vì họ luôn phải chủ động tìm cách tránh né những thứ gây sợ hoặc sẽ chịu đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng dữ dội.
Một số nỗi sợ xuất phát từ việc nhìn thấy hoặc trải nghiệm một sự vật, sự việc cụ thể (ví dụ như ám ảnh sợ con gà, ám ảnh sợ lỗ, …), một số khác xuất phát từ cảm giác về mối đe dọa hoặc do sợ bản thân bị tổn thương – điển hình như người mắc chứng sợ không gian rộng (agoraphobia) rất ám ảnh với việc bị mắc kẹt trong một địa điểm / tình huống mà họ bị mất quyền kiểm soát hoặc không thể tìm được lối thoát.
Khi một người đối mặt với thứ làm họ sợ hãi tột độ
Khi tiếp xúc với vật thể, tình huống gây sợ hãi, hoặc chỉ cần có ý nghĩa về chúng, người bệnh cũng có thể sinh ra các biểu hiện lo âu, ám ảnh như:
– Chóng mặt, run rẩy, tim đập nhanh
– Khó thở
– Buồn nôn
– Cảm giác mơ hồ
– Sợ chết
– Tâm trí bị chế ngự bởi ý nghĩ liên quan đến vật gây sợ
Các triệu chứng này có thể phát triển thành một cơn hoảng loạn (panic) hoàn chỉnh. Vì trạng thái lo âu, căng thẳng, nhiều người sẽ có xu hướng tự cô lập bản thân, đời sống cá nhân và xã hội của họ theo đó cũng gặp nhiều trở ngại.
Phân loại những ám ảnh sợ hãi
Nhìn chung, chứng ám ảnh sợ hãi được phân loại thành 3 dạng chính:
Các chứng ám ảnh sợ hãi xã hội
Người bệnh có nỗi sợ cực hạn và không thể kiểm soát đối với các tình huống xã hội. Trong một số trường hợp, nỗi sợ này có thể dành cho một số dạng tình huống cụ thể, ví dụ như nói trước đám đông. Trong các trường hợp khác, người bệnh sợ phải thực hiện một hành động / nhiệm vụ nào đó trước mặt người khác vì lo sẽ bị xấu hổ với mọi người.
Ám ảnh sợ không gian rộng
Chứng ám ảnh này khiến người bệnh sợ bị mắc kẹt trong một địa điểm / tình huống mà họ bị mất quyền kiểm soát hoặc không thể tìm được lối thoát. Do đó, họ cố gắng đến mức cực đoan để tránh né các tình huống hoặc địa điểm có nguy cơ khơi dậy nỗi sợ, ví dụ từ chối ra khỏi nhà.
Các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác
– Ám ảnh sợ hãi liên quan đến con vật: rắn, nhện, mèo, thú gặm nhấm, chim, …
– Ám ảnh sợ hãi liên quan đến các tình huống y tế: máu, bị thương, té ngã, đi bác sĩ, …
– Ám ảnh sợ hãi liên quan đến tự nhiên: sấm chớp, nước, bão, bóng tối, độ cao, …
– Ám ảnh sợ hãi liên quan đến các tình huống cụ thể: lái xe, đi thang máy, đi máy bay, …
– Ám ảnh sợ hãi khác: bị nghẹn, âm thanh lớn, đuối nước, …
Chứng ám ảnh sợ hãi phổ biến đến mức nào?
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, ánh ảnh sợ hãi là một chứng bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 12,5% người Mỹ trưởng thành, trong đó phụ nữ dễ bị ảnh hưởng hơn nam giới. Tuy nhiên, theo Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần DSM, chỉ có khoảng 10% trong số các trường hợp ám ảnh được chẩn đoán mới kéo dài cả đời.
Danh sách những chứng ám ảnh sợ hãi luôn được cập nhật. Số lượng sự vật, sự việc, hay hiện tượng gây nên nỗi sợ hãi cực độ cho con người là không thể đếm được. Các bác sĩ và những nhà nghiên cứu sẽ đặt tên cho các chứng sợ hãi cụ thể mới bằng cách kết hợp tiền tố Hy Lạp (hoặc La-tinh) của nỗi ám ảnh với hậu tố –phobia, như hydrophobia (ám ảnh sợ nước), chromatophobia (ám ảnh sợ màu sắc), hoặc phobophobia (ám ảnh sợ nỗi sợ).
Một số nỗi sợ phổ biến và không phổ biến
Theo British Journal of Psychiatry, một số nỗi sợ phổ biến nhất bao gồm:
– Acrophobia: ám ảnh sợ độ cao
– Aerophobia: ám ảnh sợ đi máy bay
– Arachnophobia: ám ảnh sợ nhện
– Astraphobia: ám ảnh sợ sấm chớp
– Autophobia: ám ảnh sợ ở một mình
– Claustrophobia: ám ảnh sợ không gian kín hoặc không gian chật hẹp
– Hemophobia: ám ảnh sợ máu
– Hydrophobia: ám ảnh sợ nước
– Ophidiophobia: ám ảnh sợ rắn
– Zoophobia: ám ảnh sợ động vật
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tổng hợp một số chứng ám ảnh sợ không phổ biến. Những chứng sợ này vô cùng đặc trưng cũng rất hiếm khi được ghi nhận vì người bệnh thường có tâm lý không muốn để người khác, kể cả bác sĩ điều trị, biết được những nỗi sợ ‘không giống ai’ của mình.
– Alektorophobia: ám ảnh sợ gà
– Onomatophobia: ám ảnh sợ những cái tên
– Pogonophobia: ám ảnh sợ bộ râu
– Nephophobia: ám ảnh sợ đám mây
– Cryophobia: ám ảnh sợ nước đá hoặc cái lạnh
Làm thế nào để chống lại nỗi sợ hãi?
Tùy vào bản thân người bệnh và dạng ám ảnh đang mắc phải mà họ sẽ được nhiều trị bằng các biện pháp khác nhau. Một số biện pháp thường thấy như:
– Điều trị tiếp xúc: tiếp xúc với những vật thể gây sợ, đối mặt với nỗi sợ, nhận ra rằng nó không có hại, từ đó vượt qua nỗi sợ
– Điều kiện hóa ngược: dạy cho người bệnh một phản ứng mới khi đối mặt với vật thể gây sợ
– Dùng thuốc, kết hợp với liệu pháp nhận thức–hành vi CBT
Nếu bạn nghĩ mình có thể đang mắc phải ám ảnh sợ hãi, đừng ngại tìm kiếm hỗ trợ để được trị liệu phù hợp và học cách kiểm soát nỗi sợ của mình.
Xem thêm:
3 dạng tổn thương cảm xúc khó chữa lành
Hội chứng ăn đêm – Những người 3 bữa gộp 1
Lịch trình ngủ không cố định cũng nguy hiểm không kém gì thiếu ngủ
Những thói quen buổi sáng giúp bạn “lột xác” sau mùa dịch
Thảo luận về bài viết