#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Trên những con đường quốc lộ trải dài từ Bắc đến Nam, ai cũng cảm thấy sợ hãi và e dè với những chiếc xe tải có kích thước đồ sộ.
Nhiều người trong chúng ta chỉ biết rằng, để trở thành một tài xế, người ngồi sau vô lăng phải lựa chọn cuộc sống trên những chiếc bánh xe nhiều hơn ở nhà. Họ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý khi phải tốn sức với những thùng hàng nặng nề cũng như sự căng thẳng trước mật độ giao thông đông đúc, áp lực về thời gian, tình trạng thiếu ngủ thường xuyên. Chính những yếu tố này đã vô tình khiến trong mắt nhiều người, các “bác tài” thường đi kèm với hình tượng cộc cằn, khó tính.
Bất chấp đại dịch kéo dài, hơn 1 tỷ tấn hàng hóa vẫn được vận chuyển trên khắp Việt Nam trong năm ngoái. Con số này có sự đóng góp không nhỏ từ những người hay bông đùa rằng từ lâu, họ đã coi “ca-bin là nhà, vô-lăng là vợ.” Dù vậy, những khó khăn không dừng lại ở những vất vả khi tải và dỡ hàng mà còn đến từ những áp lực tài chính, từng tâm sự nặng trĩu trên những chuyến xe chỉ có người lái và một khoang chứa hàng trống không.
I. Câu chuyện nghề của một tài xế
Anh là tài xế xe tải. Trước đây, anh thường phải lái xe mải miết quanh các khu chợ đầu mối để tìm hàng chở. Có rất nhiều hôm, người đàn ông này phải gọi điện, tìm kiếm rất nhiều chủ hàng để tìm kiếm một đơn hàng vận chuyển, với mong muốn kiếm thêm thu nhập để trả nợ tiền mua xe. Bởi lẽ đó, anh chẳng thể kiểm soát được thời gian làm việc, và lại càng không thể tính được thu nhập mỗi tháng. Anh cũng mắc kẹt với đủ chi phí xăng xe, cầu đường, mòn mỏi chờ đợi những khách hàng trì hoãn việc thanh toán 30, 60, 90 ngày hoặc thậm chí hơn bởi họ là công ty lớn và anh thì không thể đàm phán với họ.
II. Câu chuyện của một chủ hàng
Chị là chủ sở hữu và điều hành một nhà máy sản xuất phân bón. Mỗi ngày, chị phải vận chuyển 2.000 tấn phân bón đến Tây Nguyên bằng xe tải. Tuy nhiên, việc quản lý những người lái xe, đầu tư thêm phương tiện vận chuyển, sắp xếp giờ làm cho tài xế trong ngày thường và những kỳ nghỉ lễ dài là một bài toán quá khó. Chưa kể, chị còn cần phải theo dõi sát sao công tác vận chuyển các lô hàng trong thời gian thực, nắm được lịch trình đến sớm hay trễ của quá trình vận chuyển để có các phương án trả hàng phù hợp. Logistics gần như là một ma trận khi người ta cần phối hợp nhịp nhàng giữa lên kế hoạch, thực hiện và kiểm soát luồng dịch chuyển hàng hóa từ điểm đầu đến điểm cuối.
III. Để thấu hiểu và hỗ trợ, chúng ta phải quan tâm tới những điều nhỏ nhất
Nghề nào cũng có khó khăn – đó là điều ai cũng biết. Nhưng khó khăn đó cụ thể là gì lại là chuyện không phải ai cũng hiểu rõ. Ta biết rằng có những tài xế đã thất nghiệp vì không thể xin vào một công ty lớn hay tiếp cận với nguồn hàng cần vận chuyển. Ta cũng biết rằng người lái xe phải đối mặt với những gánh nặng rất lớn về tài chính khi phải vay tiền mua xe cũng như chi phí bảo dưỡng chiếc “cần câu cơm” khổng lồ của mình. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không biết rằng, có một lượng lớn những chiếc xe tải chạy chiều về trong tình trạng rỗng hàng. Chi phí cầu đường, xăng xe vẫn thế, lượng khói thải ra môi trường cũng chả thay đổi.
Đó cũng chính là những điều mà Phạm Khánh Linh, một cô gái nhỏ nhắn đã nhận ra.
Tốt nghiệp Đại học Cambridge, Linh đầu quân cho tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Sau đó, cô gái trẻ quyết định trở về Việt Nam, làm việc trong nhà máy sản xuất HP gần 1 năm. Trong thời gian làm việc, Linh nhận thấy xe tải nhà máy đi chiều về gần như luôn trong tình trạng rỗng hàng. Từ đó, cô nảy ra một ý tưởng về logistics. Để ý tưởng khởi nghiệp có cơ sở chính xác hơn, Linh Phạm đã tiến hành khảo sát các công ty vận tải. Với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng chiều về thường lên tới 90%. Với các tuyến xa hơn, việc các bác tài tìm được hàng chiều về cũng rất khó khăn, có khi phải chờ đến 2 tuần mới có hàng. Ý tưởng khởi nghiệp và dịch vụ của LOGIVAN đã hình thành từ đó.
Cảm hứng với ngành vận tải đường bộ – một ngành nghề không mấy người chú ý – đến từ sự quan tâm của Linh dành cho những điều nhỏ nhặt nhất. Thông thường, trong khoảng thời gian tắc đường, người ta sẽ chán nản, mải miết bấm điện thoại hoặc thở dài. Nhưng nếu dành thời gian thả lỏng tâm trí, hướng tầm mắt đến những người xung quanh, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều ý nghĩa. Trong một dịp tết Nguyên đán, trên con đường đi đến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Linh đã bắt gặp cảnh hàng trăm chiếc xe tải bị kẹt kéo dài 10 km. Khi đó, cô đã có cơ hội để hỏi về cuộc sống và công việc của các tài xế. Thông qua câu chuyện thực tế của họ, Linh đã hiểu rõ hơn bản thân cần phải làm gì để giải quyết bài toán khó cho cả chủ hàng lẫn tài xế.
Và thế là rất nhanh chóng, Phạm Khánh Linh đã chiến thắng cuộc thi UberExchange, đến Thung lũng Silicon để gặp các giám đốc điều hành Uber, nhận khoản đầu tư 600.000 USD hạt giống chỉ sau 4 tháng kể từ lần mua tên miền đầu tiên. Một thời gian sau LOGIVAN đã bước qua 3 vòng gọi vốn thành công với con số lên đến 7.95 triệu đô.
Nhiều người thích nghe Linh nói chuyện về các con số, về việc doanh nghiệp của cô đã áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào thị trường vận tải Việt Nam như thế nào. Lại có người quan tâm đến câu chuyện của các bác tài, khi giờ đây, chỉ việc mở điện thoại thông minh lên là họ đã có thể tìm được các đơn hàng ngay gần nơi mình đứng hay trên những cung đường mình quen.
Dù hứng thú với khía cạnh nào, bạn cũng có thể lắng nghe những tâm sự của cô nàng tự nhận là “thích bay bổng, thích thay đổi thế giới” tại buổi Fireside Chat with Expert chủ đề Technology to Change Life & Bring Values của Digikigai tại: https://t.me/digikigai.
Bài viết có tham khảo từ: Linh Pham – Medium
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
15 tips để thành “siêu nhân” trong công việc
Để đạt được ‘work-life balance’
Nhân sự là tài sản của doanh nghiệp
Những thói quen nhỏ nhưng cần thiết trong công việc
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết