Bởi vì ta không thể bắt ép người khác nhìn nhận giá trị mà bản thân có, chúng ta cần phải thực hiện những cách làm mà không bị người khác đánh giá là khoe mẽ.
Có 2 kiểu người trong công việc — những người luôn muốn làm tâm điểm chú ý và những người thực sự làm việc.
Những người ở nhóm đầu thường thu hút sự chú ý và cơ hội phát triển nghề nghiệp, mặc dù có thể họ không có đủ kỹ năng. Trong khi đó, những người lặng lẽ vẫn âm thầm đóng góp giá trị phía sau, nhưng lại không bao giờ nhận được sự đánh giá và công nhận xứng đáng.
Có thể một phần là vì, nỗi sợ bị chú ý và lo lắng rằng việc nói về thành tích của mình sẽ khiến họ bị coi là khoe mẽ. Từ đó, sự đóng góp của họ bị giới hạn chỉ trong phạm vi của dự án vì họ không bao giờ chủ động thực hiện các bước để thể hiện giá trị và thế mạnh của mình.
Việc tạo ra giá trị và nhận được sự đánh giá cao không chỉ đơn thuần là làm việc xuất sắc, bạn cũng cần phải tự quảng bá bản thân và làm cho mình nổi bật. Điều này không có nghĩa là ta cần phải ồn ào hay khoe khoang về kiến thức và kỹ năng của mình. Chỉ cần có ý định đúng đắn và một vài thói quen tốt sẽ làm nên sự khác biệt.
Dưới đây là 5 cách có thể giúp bạn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với người khác mà không bị coi là khoe mẽ.
1. Đừng chờ đến lượt của mình
Nếu chỉ chia sẻ kiến thức khi được yêu cầu, có thể bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đâu!. Người khác sẽ không biết rằng bạn có điều gì đó giá trị để đóng góp vì chính bản thân không thể chia sẻ ý tưởng và quan điểm của mình.
Càng ít nói, người khác sẽ càng ít biết về kỹ năng và thế mạnh của bạn. Càng ít biết về bạn, họ sẽ càng ít có xu hướng tìm kiếm ý kiến của bạn.
Đừng mong đợi người khác sẽ tự biết giá trị hoặc những gì bạn có thể mang lại. Nếu bạn muốn được chú ý và muốn ý kiến của mình được lắng nghe, hãy mạnh dạn lên tiếng mà không cần chờ đợi.
Tuy nhiên cũng nên cẩn thận. Không phải ai cũng thích những lời khuyên không mong muốn hoặc từ một người biết tuốt. Người ta cũng khó để tin tưởng vào những lời khuyên từ một người chưa quen biết.
Cho nên khi bắt đầu, hãy kiềm chế sự thôi thúc muốn chỉ bảo người khác phải làm gì. Dù bạn có biết giải pháp hoặc có ý tưởng tốt hơn về cách làm gì đó thì cũng đừng vội mà chia sẻ. Thay vào đó, hãy dành thời gian để kết nối, xây dựng mối quan hệ ý nghĩa và cố gắng giành được lòng tin của họ. Giới thiệu bản thân, chia sẻ về nền tảng kiến thức của mình và cung cấp thông tin cần thiết để họ hiểu rõ hơn về bạn.
Chỉ khi họ cảm thấy thoải mái, hãy hỏi xem họ có sẵn lòng nghe ý kiến của bạn không. Hành động xin phép trước khi đưa ý kiến là một cách tuyệt vời để thể hiện giá trị của bạn mà không gây cảm giác khoe mẽ.
Ví dụ: Giả sử bạn đang tham gia một cuộc họp về việc tích hợp tính năng chat vào sản phẩm của mình. Nếu bạn đã từng làm việc với một sản phẩm tương tự và ý tưởng của bạn có thể mang lại giá trị cho cuộc thảo luận, hãy bắt đầu bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, những bài học và kiến thức mà bạn có. Đừng cho rằng bạn biết rõ nhất hoặc đã hiểu hết bối cảnh. Hãy thể hiện sự tò mò để hiểu quan điểm khác, khuyến khích tranh luận và tỏ ra linh hoạt để thay đổi suy nghĩ thay vì cố chấp với quan điểm của mình.
Mọi người sẽ đánh giá cao quy trình suy nghĩ của bạn và trân trọng ý kiến khi thấy rằng mục tiêu của bạn là góp phần vào quyết định tốt hơn, chứ không phải để thể hiện sự thông minh hay tỏ ra nổi bật.
Hãy tập trung vào việc tạo ra giá trị và để người khác nói tốt về bạn.
2. Giúp người khác xây dựng kỹ năng có giá trị với họ
Bạn có thể tạo ra tác động ý nghĩa bằng cách áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình vào công việc, nhưng nếu chỉ làm việc trong giới hạn của một dự án sẽ dần dần giới hạn giá trị của bạn.
Giá trị mà ta tạo ra sẽ thực sự được nhân lên khi bạn truyền đạt một phần kỹ năng của mình cho người khác. Khi mọi người học được cách làm tốt giống với những gì bạn làm, công việc của bạn sẽ được nhìn nhận, ghi nhận và đánh giá cao bởi nhiều người. Việc chủ động tìm kiếm cách đóng góp sẽ làm mở rộng và khuếch đại vòng tròn ảnh hưởng của ta.
Nếu muốn thể hiện giá trị của bản thân, đừng giới hạn sự đóng góp chỉ trong 1 dự án. Đừng từ chối chia sẻ kiến thức. Thay vào đó, hãy làm như sau:
- Đăng ký làm người cố vấn. Việc hướng dẫn giúp bạn xây dựng uy tín.
- Thể hiện sự quan tâm chân thành trong việc giúp đỡ người khác.
- Tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến giải quyết vấn đề trong tổ chức của bạn.
- Xác định những vấn đề có thể mang lại tác động lớn nhất nhưng đang bị bỏ qua, và chủ động giải quyết chúng.
- Xác định những nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng và các bên liên quan, và tìm cách giải quyết chúng.
Ngoài ra hãy nhớ rằng, đây không phải là lúc mà để thể hiện. Việc giúp đỡ người khác chỉ mang lại điều tốt khi ta thực sự trao đổi chân thành với họ. Việc nói câu: “Tôi không biết” sẽ không làm giảm giá trị của bạn đâu.
Tự tin là tốt, nhưng tự tin mà thiếu đi sự khiêm tốn sẽ biến thành kiêu ngạo.
3. Ghi chép những gì bạn học được và làm cho chúng dễ tiếp cận
Nếu là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, am hiểu một lĩnh vực cụ thể hoặc đã làm điều gì đó có thể mang lại giá trị cho người khác, đừng giữ nó mãi trong đầu.Hãy ghi chép lại.
Nhiều người ngại viết ra những điều họ biết mà chỉ chực chờ một câu chuyện thành công hoàn hảo, và lấy nó làm bài học để kể cho người khác. Họ không chia sẻ giá trị của mình vì nghĩ rằng họ không có gì đáng giá để nói. Nhưng những bài học bổ ích không chỉ đến từ thành tựu, mà còn từ những sai lầm.
Vì thế, chúng tôi khuyên bạn nên chia sẻ kiến thức đó cho mọi người qua hình thức chữ viết, bất kể đó có là câu chuyện thành công hay không. Bạn có thể viết ra một vấn đề đã giải quyết, một quyết định đã đưa ra, một dự án đã dẫn dắt, đồ án thiết kế kiến trúc,..Việc làm này không chỉ giúp người khác học hỏi mà còn khuyến khích họ làm điều tương tự.
Đây là cách để thực hiện:
- Cung cấp bối cảnh diễn ra sự việc.
- Nói về quá trình ra quyết định. Cách bạn đánh giá ưu/nhược điểm, các yếu tố bạn xem xét, ai đã tham gia và quyết định được đưa ra như thế nào.
- Nếu đó là thay đổi thiết kế hoặc quy trình, hãy cung cấp chi tiết về những thay đổi cùng với quá trình suy nghĩ để đưa ra quyết định đấy.
- Chia sẻ những thách thức và khó khăn trong quá trình. Bạn đã vượt qua chúng như thế nào? Điều gì hiệu quả? Điều gì không hiệu quả?
- Những bài học và kết luận chính.
Đừng chờ đợi một cơ hội lớn hay một câu chuyện vĩ đại để rồi mới bắt đầu chia sẻ. Ta nên đi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Hãy nghĩ về công việc hàng ngày của bạn và điều gì có thể hữu ích cho người khác. Xây dựng kho tài liệu kiến thức theo cách này là cách tuyệt vời để thể hiện giá trị của bạn mà không cần khoe mẽ.
4. Thay vì đưa ra câu trả lời, hãy đặt câu hỏi phù hợp
Khi người khác bị bế tắc, không biết cách giải quyết vấn đề hoặc cần ý kiến để đưa ra quyết định, việc giải cứu họ bằng cách cung cấp giải pháp có thể khiến bạn trở thành người hùng, nhưng điều đó không tạo ra giá trị bền vững.
Việc đưa ra câu trả lời sẽ làm ngừng cuộc đối thoại. Không có cuộc trò chuyện, không có học hỏi và cũng không có sự kết nối thực sự. Nó còn khuyến khích sự phụ thuộc thay vì sự tự chủ.
Giá trị chỉ được thể hiện và cảm nhận khi bạn giúp người khác phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khi bạn khiến họ phải suy nghĩ và tự giải quyết vấn đề.
Đặt câu hỏi hay là một cách tuyệt vời để thể hiện giá trị, vì chỉ những người có kiến thức và kinh nghiệm liên quan trong một lĩnh vực mới có thể tham gia vào một cuộc trò chuyện sâu sắc:
- Vấn đề họ đang cố gắng giải quyết là gì?
- Họ đã thử những gì? Điều gì hiệu quả? Điều gì không hiệu quả?
- Có những giải pháp nào khác mà họ chưa xem xét?
- Họ có thể thực hiện những bước nhỏ nào để đưa ý tưởng vào thực tế?
- Họ có thể triển khai vòng phản hồi như thế nào? (một “vòng phản hồi” (feedback loop) là một công cụ chiến lược để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo và cải tiến liên tục trong đội ngũ nhân viên).
Việc đặt câu hỏi khơi dậy sự sáng tạo và mở rộng kỹ năng tư duy sẽ giúp người khác tìm ra giải pháp của riêng họ; từ đấy tạo ra giá trị dài hạn cho cả con người và tổ chức.
5. Tối ưu hóa thời gian để làm công việc có ý nghĩa hơn
Khi lịch trình của bạn đầy ắp các cuộc họp, công việc, dự án hoặc các cuộc thảo luận khác, ta thường có thể nhầm lẫn giữa những đầu việc chỉ mang nhãn là “bận rộn” hoặc thật sự tạo ra giá trị.
Nguyên lý Pareto có nói rằng, “80% kết quả đến từ 20% nỗ lực.” Nguyên tắc này cũng áp dụng cho thời gian của bạn. 20% thời gian sử dụng đúng cách sẽ tạo ra 80% giá trị, trong khi phần còn lại chỉ là lãng phí.
Việc xác định được 20% quan trọng này ở đâu là một điều cần thiết. Hầu hết mọi người đều bị cuốn vào sự hỗn loạn hàng ngày của công việc — các cuộc họp liên tiếp, kỳ vọng từ các cấp trên, xử lý tình huống khẩn cấp và gấp rút để kịp thời hạn.
Nếu không có sự chủ đích trong cách sử dụng thời gian, bạn sẽ có ít thời gian để dành cho việc tạo ra giá trị và nhiều thời gian bị lãng phí vào việc duy trì sự bận rộn.
Thay vì làm việc nhiều giờ hoặc bị cuốn vào sự bận rộn của những công việc vô nghĩa, hãy ưu tiên dành thời gian cho các hoạt động sẽ tạo ra sự khác biệt:
- Chỉ tham gia vào các cuộc họp mà sự có mặt của bạn thật sự quan trọng và loại bỏ hoặc uỷ quyền cho người khác.
- Xác định các đầu việc sẽ mang lại kết quả lớn nhất với ít nỗ lực nhất.
- Thay vì bị cuốn theo sự cấp bách của những công việc không quan trọng, hãy tập trung vào tương lai.
Một tâm trí thoải mái là điều cần thiết để vượt qua những thách thức và phức tạp của môi trường làm việc, kết nối có ý nghĩa với người khác và thực hiện công việc có giá trị. Việc chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác mà không có khoảng nghỉ sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm.
Nó cũng cho phép bạn xem xét, sửa đổi và thích nghi với tương lai — một kỹ năng tuyệt vời được đánh giá cao trong công việc nhưng chỉ có số ít sở hữu.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 8 tính năng cải thiện hiệu suất trên iPhone mà bạn nên dùng
- 9 thói quen tốt để trở thành người hoạt ngôn trong công sở
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả