“Con trai gì mà mau nước mắt thế!”
“Anh đàn ông lên chút được không? Có vậy thôi cũng than thở.”
“Sao dại vậy, đàn ông là cứ phải ăn chơi cho đã rồi hẵng vợ con chứ!”
Không biết từ bao giờ, những câu nói này đã trở nên quá quen thuộc, đến mức không nhiều người buồn để ý xem tại sao người ta lại nói thế, và nói thế thì có ảnh hưởng gì hay không.
Trong con mắt xã hội, đàn ông thì…
… phải mạnh mẽ kiên cường,
khó không (được) than bại không (được) nản.
(Ảnh: Igor Bastidas)
… không được rơi nước mắt,
vì khóc lóc là yếu đuối, mà yếu đuối thì ‘để cho ai xem’?
… nên biết ăn chơi hưởng thụ, gái gú rượu chè
để không ‘phí hoài thanh xuân’.
Từ nam tính…
Xã hội đúc sẵn cho người nam và người nữ những cái khuôn. Việc của chúng ta chỉ là làm sao tự điều chỉnh bản thân để nhét mình vừa vào cái khuôn đó.
Nghĩ cũng hợp lý ra phết khi mọi thứ đều được thiết kế để hài hòa bổ trợ cho nhau: phụ nữ phải dịu dàng, đàn ông cần mạnh mẽ; phụ nữ có quyền yếu đuối, đàn ông nghĩa vụ chở che; phụ nữ quán xuyến nơi hậu phương, đàn ông xông pha ngoài tiền tuyến…
Vì hợp lý và lý tưởng như thế, vô tình, trong mắt chúng ta chỉ còn lại duy nhất hình ảnh này, và chúng ta sử dụng chính hình ảnh này để làm minh họa cho khái niệm nam tính / nữ tính, từ đó hình thành nên một tập hợp những thuộc tính được gán sẵn lên mỗi giới.
Tập hợp thuộc tính đó bao gồm thể hiện bên ngoài, xu hướng hành xử, phong cách sống, và tính cách của một cá nhân. Mặc dù là những cái khuôn đúc sẵn, nhưng ở mỗi thời kì lịch sử, trong mỗi nền văn hóa,… khác nhau, thì những cái khuôn này sẽ khác nhau.
Vì là một khái niệm hình thành nên từ xã hội, nên khi xã hội thay đổi, chuẩn mực nam tính cũng theo đó mà khác đi. Ngày nay, một người được đánh giá là nam tính khi họ thể hiện ra xu hướng cứng rắn cả về thể chất lẫn tinh thần. Những đặc điểm bên ngoài như tình trạng nhiều lông tóc, cơ bắp nổi rõ, giọng nói trầm,… thường được dùng để mô tả sự nam tính.
Râu ria ra rậm rạp là dấu hiệu của nam tính. Mặc nhiên, một quý cô thì không nên có nhiều lông trên cơ thể.
(Ảnh: Ruhika Nandy)
Ngoài ngoại hình nam tính còn có sở thích nam tính. Bia rượu, thể thao, nhạc rock, trạng thái dị tính (heterosexual), xu hướng bạo lực,… là những sở thích, tính chất được gắn với sự nam tính. Ngược lại thì nước trái cây, nghệ thuật, nhạc pop, trạng thái đồng tính (homosexual), xu hướng hòa hoãn,… không được xem là nam tính.
… đến tính nam độc hại
Tính nam độc hại (toxic masculinity) là một trong những hệ lụy của chế độ phụ hệ, nơi đàn ông là người thống trị xã hội và được xem trọng hơn nữ giới rất nhiều. Tính nam độc hại không có nghĩa “Nam tính tức là xấu” hay “Tất cả đàn ông đều xấu”; nó là một tập hợp những biến tướng tiêu cực được phát triển từ cái chúng ta hay gọi là nam tính mà xã hội gán cho đàn ông, và nó không chỉ ảnh hưởng đến đàn ông.
Sở dĩ gọi tính nam độc hại là một tập hợp những biến tướng tiêu cực, vì đa phần trong số đó ban đầu là những đức tính tốt, được khuyến khích phát triển không chỉ ở nam giới mà còn ở nữ giới.
Ví dụ như sự độc lập. Đây là một đức tính tốt và được xã hội gán cho nam giới. (hm… đoán xem đức tính đối lập ở nữ giới sẽ là gì nào? Chính là phụ thuộc.) Thế nhưng độc lập có thể trở nên không lành mạnh khi người nào đã “trót” mang tiếng độc lập rồi sẽ thấy khó hoặc không thể bày tỏ cùng người khác khi mình cần sự giúp đỡ. Cho dù đó là vấn đề liên quan đến tinh thần hay thể chất.
Thường nghe nói “làm phụ nữ khổ muốn chết”, thì thực ra “làm đàn ông cũng chẳng sung sướng gì”. Tính nam độc hại nhấn mạnh, đẩy lên thật cao, đồng thời dứt khoát tỏ thái độ bài bác và phê phán những người không đáp ứng được những tiêu chuẩn về một người đàn ông đích thực.
Nghiên cứu từ Đại học Mở (Anh) liên kết với Promundo (tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới chuyên về các vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới) cho thấy đàn ông đang phải đối mặt với rất nhiều kỳ vọng của xã hội. Theo kết quả khảo sát, có đến 72% nam giới độ tuổi 20-24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, dũng cảm, có kinh nghiệm giường chiếu, và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống.
Ngoài ra, dưới sức ép vô hình của xã hội và cái khuôn đàn ông đích thực, nam giới còn phải gánh trên vai hàng tá thứ khác như phải quyết đoán, không yêu cầu giúp đỡ, điềm tĩnh, tránh biểu lộ cảm xúc ra ngoài. Đúng mẫu tổng tài “bên ngoài lạnh lùng bên trong nhiều tiền” trong truyền thuyết.
Tính nam độc hại không chỉ hại mỗi nam giới
Một trong những hậu quả mà tính nam độc hại gây ra cho đàn ông, đó là họ phải kiềm nén cảm xúc của mình. Từ khi còn nhỏ, những bé trai đã được nghe người xung quanh bảo với mình rằng “là con trai thì không được khóc”, vì khóc là biểu hiện yếu đuối. Nếu khóc, hoặc là các em sẽ bị trêu chọc hoặc bị trách mắng thay vì được quan tâm và an ủi.
Những cậu bé lớn lên, trở thành những người đàn ông đã quá quen với việc phải kiềm nén cảm xúc. Lâu dần, họ sẽ mất khả năng thể hiện và báo hiệu cho người khác về cảm xúc bản thân, ngay cả khi đó hoàn toàn là những cảm xúc tích cực như vui mừng, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc tự sửa mình cho vừa với cái khuôn định sẵn cũng khiến đàn ông phải che giấu hoặc từ bỏ hoàn toàn con người thật của mình chỉ để không phụ kỳ vọng cũng như không bị xã hội chỉ trích.
Bạn đọc The Millennials Life có lẽ còn nhớ thời kỳ làn sóng hallyu vừa nổi lên mạnh mẽ ở Việt Nam. Các em teen (thật ra chính là tụi mình đấy) mê sống mê chết các anh idols Hàn Quốc, phụ huynh các em teen thì lắc đầu ngán ngẩm không hiểu nổi “mấy đứa ẻo lả đó đẹp đẽ gì đâu mà mê”.
Trong mắt phụ huynh tụi mình, nét đẹp đó không thể gọi là đẹp, vì nó hoàn toàn không có chút gì gợi nhắc đến nét đẹp nam tính truyền thống. Từ đó đến nay đã hơn chục năm, xã hội đã cởi mở hơn, thế nhưng thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những lời bình luận “con trai gì mà mặc đồ ẻo lả”, “con trai gì đi xài kem chống nắng” mà một số người dùng để nói về những bạn nam có phong cách thời trang nữ tính hoặc những người đàn ông quan tâm chăm chút vẻ bề ngoài của mình.
Khi không đáp ứng những tiêu chuẩn đàn ông đích thực của xã hội, nam giới sẽ càng có xu hướng tự tạo áp lực cho bản thân nhiều hơn. Điều này, cộng với việc những cảm xúc tiêu cực sinh ra trong suốt quá trình đó không được giải tỏa, dễ làm nam giới trở nên lạm dụng chất kích thích, bị trầm cảm hoặc các thương tổn về tinh thần khác.
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh nam giới hay đi kèm với rượu bia, thuốc lá, hay những trò thể thao mạo hiểm. Chính vì họ có xu hướng tìm đến chúng để giải sầu nhiều hơn nữ giới, nên những thứ này gắn liền với hình ảnh đàn ông. Và một người đàn ông nếu muốn sống đúng kỳ vọng của xã hội, thì anh ta sẽ không (đôi khi là không thể) từ chối những thứ này, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc đem sức khỏe của mình ra đánh cược.
Trong nhiều trường hợp, đàn ông sẽ quay sang gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, như hay sinh sự, cáu gắt, ưa thể hiện bạo lực với những đối tượng họ tự đánh giá rằng “yếu thế” hơn: phụ nữ, trẻ em, hoặc thậm chí những người nam khác mà họ biết rằng sẽ không phản kháng lại họ.
Đã là nạn nhân thì không phân biệt nam hay nữ
Nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn ông có tỉ lệ tự sát cao hơn phụ nữ. Dữ liệu từ WHO cũng cho thấy trên 40% quốc gia có hơn 15 ca tử vong do tự tử trên 10.000 nam giới. Ngay cả trong cơn đại dịch vừa qua, đã có rất nhiều báo cáo về việc nam giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 hơn nữ giới.
Khi biết rằng nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, của cưỡng ép tình dục, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên thật sự.
(Ảnh: Natalia Ramos)
Như câu chuyện “hai xe tông nhau xe nào to hơn tự động có lỗi”, đàn ông trước giờ vẫn hay giữ vai kẻ thủ ác trong những câu chuyện bạo lực gia đình, những vụ án cưỡng hiếp…, đơn giản vì đàn ông là phái mạnh. Chỉ có mạnh mới sử dụng bạo lực và hà hiếp yếu chứ ai lại yếu đánh đập mạnh bao giờ.
Nói với mọi người đi nào Johnny, nói với họ là Tôi là Johnny Depp, tôi là một người đàn ông, và tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình, anh nói xem có bao nhiêu người sẽ tin và sẽ đứng về phía anh? Anh to con hơn, có sức khỏe hơn, tôi chỉ là một người phụ nữ nặng 52 kí. Anh sẽ ra trước tòa, bước lên vành móng ngựa, rồi nói rằng Vì cô ấy bắt đầu trước… cho mọi người nghe đấy à?
Trích đoạn ghi âm cuộc trò chuyện của Amber Heard và Johnny Depp
Khi lần đầu tiên biết đến scandal của Johnny Depp và Amber Heard, thế giới hùa nhau vào chửi mắng anh thậm tệ. Chúng ta trỏ ngón tay buộc tội về phía Johnny một cách tự nhiên, vì anh ấy là một người đàn ông.
Thậm chí ngay cả sau khi Johnny kháng cáo và tung ra bằng chứng chính Amber là người nhục mạ và sử dụng bạo lực với anh, người ta vẫn bảo nhau “Không có lửa làm sao có khói”. Chúng ta dường như quên mất rằng nam giới hay nữ giới thì đều có thể trở thành nạn nhân.
Nhắc đến những vụ việc lạm dụng tình dục mà nạn nhân là nam, chúng ta vẫn cho rằng đó là thiểu số, là những trường hợp rất rất hiếm khi mới xảy ra. Thế nhưng, cái chúng ta thấy chỉ là những vụ việc đã được phát hiện hoặc do nạn nhân đứng ra chủ động tố cáo. Còn biết bao nhiêu câu chuyện khác đã bị giấu đi, vì nạn nhân sợ bị đánh giá là quá yếu đuối, là “được voi đòi tiên” vì “gái đã chủ động mà còn…”?
Khi thấy một người đàn ông buông lời cợt nhả một cô gái, chúng ta phát rồ và sẵn sàng xông vào sỉ vả hắn ta một trận cho bõ ghét. Thế nhưng, ai biết được rằng có phải chính những người buổi sáng vừa ra tay cho chính nghĩa đó tối đến lại công khai quấy rối tình dục bằng lời nói khi thả những comment kiểu như “muốn rụng trứng” vào ảnh trai đẹp trên mạng hay không?
Kết
Dù là nam hay nữ thì chúng ta đều cần phải có cả nam tính và nữ tính trong người, để những lúc nào cần quyết đoán sẽ quyết đoán, những lúc nào nên dịu dàng sẽ dịu dàng.
Nam tính không xấu. Những người đàn ông “không nhiều” nam tính cũng không xấu. Nhưng việc áp đặt tiêu chuẩn nam tính một cách cực đoan, không phù hợp lên bản thân và người khác thì không phải là điều tốt. Xã hội luôn thay đổi, kéo theo cả những quy chuẩn nam tính. Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, để phái mạnh cũng được quyền rơi lệ.