Cho đến nay, bầu trời dường như vẫn là mảnh ghép chứa đựng vô số bí ẩn đối với nhân loại. Có những ngày, nắng có thể đang chiếu rọi chói chang, song bầu trời lại lập tức trở nên đỏng đảnh, khó đoán khi mây đen kéo tới. Tương tự như vậy vào ban đêm, đôi khi ta thấy phía trên mình là một khoảng không đen kịt, nhưng lại có những thời điểm bầu trời trong vắt, đưa mắt nhìn lên, người ta có thể thấy những cụm sao di chuyển chậm chạp trên cao.
Mối quan tâm của loài người đối với bầu trời có thể chia ra thành ba lĩnh vực khác nhau như: Thiên văn học, chiêm tinh học và việc sáng tạo ra lịch. Thiên văn học là ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu những thiên thể trên bầu trời (như Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao, sao chổi,…) và các hiện tượng ngoài vũ trụ. Chiêm tinh học lại là môn khoa học nghiên cứu về chuyển động và vị trí của các thiên thể có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người cùng các sự kiện trên mặt đất. Thông qua việc nghiên cứu này, một người có thể hiểu được thêm tính cách, hướng phát triển trong cuộc đời và vận hạn của bản thân.
Vậy chiêm tinh học ra đời từ khi nào?
Từ 30.000-10.000 năm trước Công nguyên
Nhiều quan điểm cho rằng chiêm tinh học đã được ứng dụng hoặc phát minh từ các nền văn minh cổ đại trong lịch sử. Theo đó, bản đồ các vì sao đã tồn tại từ rất lâu trước khi có bản đồ trái đất. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tranh trong hang động khắc hoạ việc con người đã đối phó với sự bất thường, không chắc chắn trong chu kì của tự nhiên bằng cách theo dõi chuyển động của những vì sao.
6000 năm trước Công nguyên
Người Sumer và người Lưỡng Hà là những thế hệ người tiếp theo có cống hiến to lớn trong việc tạo ra chiêm tinh học hiện đại. Khu vực Lưỡng Hà được xem là bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, với những phát minh về bánh xe, trồng trọt, gạch nung, bản đồ. Họ quan sát bầu trời kỹ lưỡng hơn, phát hiện ra các chòm sao chính và đặt tên cho chúng. Người Babylon cũng đã góp phần phát hiện ra 5 hành tinh đầu tiên trong hệ Mặt Trời.
3000 năm trước Công nguyên
Sau người Lưỡng Hà, người Babylon cũng quan tâm đến chiêm tinh học. Ở thời kỳ ban đầu (khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên), hệ thống chiêm tinh học của người Babylon chỉ mang tính đời thường: dùng để dự đoán thời tiết hoặc phục vụ cho các vấn đề chính trị. Theo thời gian, nền văn minh Babylon đã phát minh ra hệ thống số của riêng họ và được dùng làm cơ sở cho các phép tính thiên văn dựa trên số và phút. Đến thế kỷ thứ 4, các phương pháp toán học của họ đã đủ tiến bộ để tính toán vị trí của các hành tinh trong tương lai với độ chính xác cao. Tầm khoảng những năm 1800 trước Công nguyên, người Babylon đã sử dụng chiêm tinh để luận đoán tương lai.
Người Babylon cũng được cho là đã sáng tạo ra vòng tròn mà chúng ta sử dụng ngày nay (với các hành tinh và các cung địa bàn) vào khoảng năm 700 trước Công nguyên. Ngoài ra, bản đồ sao lâu đời nhất được biết đến nay được cho là có niên đại từ năm 409 trước Công nguyên.
331 năm trước Công nguyên
Đến năm thứ 1000 trước Công nguyên, sự hứng thú dành cho chiêm tinh học lan truyền đến tới Ấn Độ, các nước Ả Rập và Hy Lạp – nơi những kiến thức cơ bản đầu tiên của chiêm tinh được ghi lại. Từ sau khi Alexander Đại đế chiếm đóng Babylon, người Hy Lạp liên tục tìm ra những kiến thức mới. Điều này không chỉ tính riêng đến chiêm tinh, mà còn bao gồm kiến thức về y học, toán học và triết học.
Cái tên của các hành tinh và các dấu hiệu hoàng đạo đều liên quan đến văn học của Hy Lạp. Ngoài ra, vào khoảng năm 140 trước Công nguyên, Tetrabiblos – cuốn sách được cho là nền tảng của chiêm tinh học phương Tây đã được xuất bản. Kiến thức trong cuốn sách bao gồm những phương pháp cơ bản trong chiêm tinh mà vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến hiện tại, từ kiến thức về các hành tinh, các cung hoàng đạo, các cung địa bàn và các góc chiếu giữa hành tinh,…
Thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên
Tuy vậy, đến thế kỷ thứ 5, Đế chế La Mã sụp đổ, xã hội rơi vào khủng hoảng khiến các chiêm tinh gia của nền văn hóa này biến mất gần 500 năm. Vào thời điểm này, người Ấn Độ hay Ả Rập tiếp tục nghiên cứu và lưu trữ được kiến thức chiêm tinh của người Hy Lạp.
Thời kỳ Trung Cổ
Tại châu Âu, chiêm tinh học phát triển mạnh mẽ trở lại và là một phần quan trọng của văn hóa. Lĩnh vực này được các bác sĩ, nhà thiên văn và toán học đặc biệt quan tâm. Những tiến bộ trong toán học cũng giúp các chiêm tinh gia làm ra các biểu đồ với độ chính xác về vị trí, số độ của các hành tinh. Nhiều trường đại học danh giá của châu Âu vào thời điểm này, bao gồm cả Đại học Cambridge (1225-1250) còn tuyển và đón chào các chiêm tinh gia; hay như Hoàng gia cũng sẽ có riêng chiêm tinh gia cho mình. Nhiều giáo hoàng cũng ủng hộ chiêm tinh học. Tu sĩ kiêm giáo sư toán học, vật lý và thiên văn Placidus de Titis (1603-1668) đã sáng tạo ra hệ thống xét cung địa bàn Placidus trong chiêm tinh phương Tây hiện đại.
Trong suốt một thời gian dài, nhà thờ cũng hoan nghênh việc ứng dụng chiêm tinh học. Chỉ đến khi sự mâu thuẫn của nó với các nguyên tắc cơ bản của nhà thờ, sự phát triển của chiêm tinh học mới bị ngưng lại. Câu chuyện phổ biến nhất về thời kỳ này có thể nói đến lý thuyết về thuyết nhật tâm của Copernicus, sau được Galileo phát triển đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Giáo hội Công giáo Rôma.
Thế kỷ 17 và thế kỷ 18
Phong trào cải cách Tin lành bắt đầu vào giữa những năm 1500 đã thúc đẩy cho sự suy tàn của chiêm tinh học. Đến Thời đại Khai sáng (1650-1780), chủ nghĩa duy lý được phổ biến hóa trong xã hội – nhấn mạnh đến sự lý trí, phân tích và chủ nghĩa cá nhân, đồng thời bài trừ sự mê tín, uy quyền và kiểm soát quá mức từ các tổ chức như nhà thờ Công giáo. Khoa học và chủ nghĩa hoài nghi là nền tảng để xây dựng lại xã hội. Chiêm tinh học trong giai đoạn này được xem như một sở thích cá nhân hơn là một môn khoa học hợp lệ, độc lập. Trong thời kỳ này, các chiêm tinh gia phải sử dụng bút danh để ẩn mình, nhằm tiếp tục lưu truyền kiến thức. Trong Bách khoa toàn thư – một trong những tác phẩm lớn của thế kỷ 18 – do Denis Diderot và Jean le Rond d’Alembert xuất bản, chiêm tinh học là một trong những lĩnh vực bị chế giễu khá gay gắt.
Thế kỷ 19 – 20 – 21
Đến thế kỷ 19, sự quan tâm trở lại cho những kiến thức tâm linh và chủ nghĩa thần bí ở Anh đã trở thành động lực cho sự trỗi dậy của chiêm tinh ở châu Âu. Đặc biệt, đến đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học Carl Jung (1875-1961) đã tiên phong cho phong trào này thông qua việc ứng dụng chiêm tinh trong phân tích tâm lý, xây dựng nên nhánh chiêm tinh tâm lý.
Ở thời điểm hiện tại, chiêm tinh học cũng được phổ biến rộng rãi hơn với công chúng thông qua ảnh hưởng của các sản phẩm truyền thông đại chúng, chẳng hạn như các mục báo với dự đoán cho các cung hoàng đạo. Thay vì phải vẽ bản đồ sao bằng tay như xưa, ngày nay chúng ta có thể sử dụng các trang web vẽ sẵn, nhập thông tin của mình để có được chiếc bản đồ sao vào thời điểm ta sinh ra.
Chiêm tinh học có thể đem lại những gì?
Không khó để thấy những bài đăng về tính cách tiềm ẩn của 12 cung hoàng đạo, hay liệu người cung Bạch Dương và Thiên Bình có hợp nhau không, và rằng nếu một cô nàng Bọ Cạp kết hôn với một chàng trai Kim Ngưu thì có lâu bền. Tuy vậy, nếu chỉ dừng ở đây, công dụng của chiêm tinh học vẫn còn khá đơn giản và chưa thể đi sâu và tận dụng được hết những gì bộ môn này có thể đem lại.
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Chiêm tinh học chính là giúp con người nhận thức được bản thân, những điểm mạnh cần phát huy, những tiềm năng còn đang bị che giấu và hé lộ những thử thách phải đối mặt. Ngoài ra, các ứng dụng chiêm tinh liên quan đến tâm lý còn có thể đưa ra lời khuyên, giúp ta nhận ra những giới hạn cũng như hé lộ những điều cần thay đổi ở bản thân theo hướng tốt đẹp hơn.
Không chỉ dừng ở mặt khám phá tính cách, tâm lý con người, Chiêm tinh học còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ việc giúp giải đáp về các mối quan hệ, cho đến quyết định kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp, dự báo cho các tai nạn, biến cố trong xã hội và trên toàn thế giới. Có thể nói, ứng dụng của Chiêm tinh học là vô tận.
Tuy vậy, điều quan trọng mỗi người cần nhớ rằng, chiêm tinh học chỉ là công cụ hướng dẫn, chỉ lối, không nên quá phụ thuộc và để mất đi sự lựa chọn của bản thân.
Bài viết sẵn sàng nhận thêm những góp ý, chỉnh sửa.
Tham khảo Astrotheme, Astro.com, Astrostyle, Horo, History of Astrology, Astromemo
Có thể bạn quan tâm:
Bài Tarot – lịch sử của trào lưu Youtube “bốc một tụ bài”
Advent Calendar (Lịch mùa Vọng) – 25 ô lịch phép màu cho mùa Giáng sinh
Thảo luận về bài viết