Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Nhã nhặn mà nói thì là ứng tuyển, thẳng thừng mà nói thì là xin việc. Sau này mình thành siêu sao rồi thì muốn ứng tuyển hay đứng im đợi người ta tới mời về thì cứ đợi. Giờ, còn trẻ, thì dẹp bỏ mong manh dễ bể mà đi xin việc.
Bài này dành cho các bạn là newbie, người mới. Bớt mới rồi, trở nên ngầu hơn rồi chúng ta sẽ nhã nhặn với nhau hơn.
Một số điều cần làm rõ khi đi xin việc
1. Người xin việc /ứng viên và doanh nghiệp là 2 đối tượng giao tiếp. Mối quan hệ giữa 2 đối tượng này bắt đầu bằng một lời thông báo rằng “Tôi cần người làm việc” phát ra từ phía doanh nghiệp, sau đó thì một hồ sơ được gửi đến từ phía ứng viên.
2. Một mối quan hệ cần có sự cân bằng, bình đẳng. Dĩ nhiên là có sự khởi đầu, tiếp diễn và duy trì hoặc kết thúc.
3. Ứng viên làm chủ mối quan hệ, chủ động xây dựng giao tiếp.
4. Bên nào ‘ngầu’ hơn thì bên đó nắm lợi thế giao tiếp nhiều hơn. Doanh nghiệp lớn hoặc ứng viên giỏi, đại loại vậy.
5. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ứng viên (người làm việc) là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, hợp tác và có qua có lại. Cả hai chọn nhau, hay không chọn nhau dựa trên 2 yếu tố: được việc và lợi ích phù hợp tại thời điểm đó. Lợi ích phù hợp được hiểu là năng lực, khả năng phát triển, khả năng chi trả, môi trường và giá trị.
6. Doanh nghiệp và ứng viên (người làm việc) ít khi chọn nhau bởi vì tao-thích-mày. Thật ra chuyện cảm tính này cũng có, nhưng khi đứng trên góc độ đánh giá chuyên nghiệp và khách quan… thì sau này ‘không thích’ nữa thì sao? Những gì xây dựng trên cảm tính thì rủi ro.
Đại loại thế. Rồi giờ thì chúng ta có những bước sau.
Bước 1 – Giai đoạn tìm hiểu trước khi bắt đầu
Trước khi một hồ sơ được gửi đi, dù là qua đường nào, điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là tìm hiểu về nhau. Quan hệ công việc chuyên nghiệp không có khái niệm tình yêu sét đánh (dù đôi khi sét cũng đánh, hai bên tiến tới với sau, tỉnh ra thì mọi thứ muộn màng, chia tay đau khổ).
Ở giai đoạn này, thật ra chỉ có người tìm việc là tìm hiểu về doanh nghiệp. Người xin việc cần biết:
– Doanh nghiệp này là ai, hoạt động trong lĩnh vực gì, có gì hay, đã bao nhiêu năm tuổi, tên tuổi trên thị trường có gì hay không, danh tiếng lẫn tai tiếng như thế nào?
– Doanh nghiệp này đang cần vị trí công việc như thế nào? Họ cần gì ở một nhân viên mới? Năng lực của mình có phù hợp với họ hay không?
– Lĩnh vực của họ mình có kiến thức gì chưa? Nếu chưa có, có khó để học không? Lĩnh vực của họ, ngành nghề của họ có phải là mảng mà mình có thể làm được và ưa thích không?
– Vào đây rồi thì mình sẽ học được gì? Mình xác định sẽ ở đây trong bao lâu?
Các câu hỏi này có thể không cần phải trả lời hết, nhưng ít nhất một lần hãy nghĩ đến và tìm hiểu dần dần cho đến khi tiến tới bước thứ hai. Bởi vì khi làm hồ sơ thì cũng quay lại mấy câu hỏi này thôi.
Xem thêm:
#NgườiLớnĐiLàm: Để đạt được ‘work-life balance’
#NgườiLớnĐiLàm: Đừng chết chìm trong hộp email ngập tới cổ
#NgườiLớnĐiLàm: Những thói quen nhỏ nhưng cần thiết trong công việc
#NgườiLớnĐiLàm: Bạn là “chim sớm” hay là “cú đêm”?
Thảo luận về bài viết