#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Hàng thế kỷ lãnh đạo đã in dấu sâu sắc bởi những đặc điểm truyền thống mang tính nam giới: Sự quyết đoán, quyền thế, khả năng ra quyết định và sự kiểm soát.
Hình mẫu lãnh đạo tiêu biểu (đặc biệt khi nói đến trong lĩnh vực chính trị và doanh nghiệp), thường được kỳ vọng là người có thẩm quyền, cứng rắn và gần như luôn là nam giới.
Khi nói đến cụm từ “nữ tính hóa quyền lực”, ta mặc định cho rằng có một sự khác biệt trong những phẩm chất mà chúng ta hay ngưỡng mộ ở các nhà lãnh đạo. Thế nhưng, những phẩm chất thường được coi là nữ tính – như sự đồng cảm, khả năng hợp tác, trí tuệ cảm xúc (EQ) và khả năng giao tiếp – ngày càng được đánh giá cao là những yếu tố cần thiết trong việc tạo nên nhà lãnh đạo hiệu quả.
Tuy nhiên, khi định nghĩa giới tiếp tục thay đổi cùng thời gian và xã hội bắt đầu thả lỏng hơn, một câu hỏi mới đã được đặt ra: Liệu tương lai của sự lãnh đạo có thuộc về phụ nữ, hay sẽ trở nên linh hoạt hơn? Bởi, với sự linh hoạt trong quan niệm về giới hiện đang thay đổi, dường như tương lai của lãnh đạo không còn có thể bị giới hạn bởi những đặc điểm truyền thống của nam hay nữ mà là sự kết hợp của các phẩm chất không thuộc về các chuẩn mực giới thông thường nào cả.
Sự xuất hiện của những phẩm chất nữ tính trong lãnh đạo
Trong nhiều năm trở lại đây, người ta đã bắt đầu nhận định rằng hầu hết các phẩm chất đi kèm với sự lãnh đạo hiệu quả, là những phẩm chất vốn có của phụ nữ. Chẳng hạn, sự đồng cảm giúp nhà lãnh đạo kết nối với nhân viên, thực sự hiểu được những khó khăn mà họ trải qua và xây dựng một môi trường làm việc mang tính hợp tác hơn.
Chính trong những thời kỳ khủng hoảng toàn cầu lớn như sự bất ổn kinh tế, các phong trào công lý xã hội và đại dịch COVID-19; các nhà lãnh đạo đã sử dụng trí tuệ cảm xúc và lòng trắc ẩn một cách hiệu quả để dẫn dắt các nhóm người hoặc cả quốc gia vượt qua thời kỳ biến động.
New Zealand dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Jacinda Ardern và Đức dưới sự dẫn dắt của cựu Thủ tướng Angela Merkel đã trở thành hình mẫu cho kiểu lãnh đạo này. Cả 2 nhà lãnh đạo chính trị đều nhận được sự tán dương rộng rãi nhờ thái độ đồng cảm và thực tế khi đối phó với đại dịch. Họ nói về trách nhiệm tập thể, giao tiếp thẳng thắn và quyết định dựa trên sự thật. Điều này hoàn toàn trái ngược với kiểu lãnh đạo truyền thống mang tính quyền lực, nam tính ở nhiều nơi khác.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh đã chứng minh rằng ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty có đội ngũ lãnh đạo đa dạng thường vượt trội hơn so với các đối thủ kém đa dạng. Theo nghiên cứu của McKinsey & Company và Harvard Business Review, người ta ước tính rằng các công ty có sự đa dạng về giới tính thường có khả năng đổi mới và thành công về mặt tài chính hơn. Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, họ cũng được chuẩn bị tốt hơn để đối phó.
Khi nữ giới nắm quyền dẫn dắt tổ chức...
Nhiều thập kỷ qua, phụ nữ đã đấu tranh để có chỗ đứng trong các vị trí lãnh đạo ở mọi lĩnh vực. Vì thế ngày nay, sự gia tăng số lượng phụ nữ ở các vị trí cao là một bước tiến quan trọng hướng tới bình đẳng giới.
Tuy nhiên, trong khi có nhiều tiềm năng để tạo ra sự thay đổi văn hóa tích cực, cũng cần phải nhận ra rằng lời kêu gọi nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn không nên bị đồng nhất với cách tiếp cận hạn hẹp chỉ dựa trên các đặc điểm truyền thống của nữ giới. Để bất kỳ nhà lãnh đạo nào trở nên thực sự hiệu quả—dù là phụ nữ hay đàn ông—phải có sự kết hợp giữa các phẩm chất nam tính và nữ tính, tùy thuộc vào yêu cầu của tình huống.
Vai trò lãnh đạo cũng đòi hỏi sự quyết đoán và khả năng ra quyết định, những yếu tố quan trọng không kém so với sự hợp tác và nuôi dưỡng. Chỉ khi những đặc điểm này được kết hợp, người lãnh đạo đó mới có thể thích ứng nhanh với mọi tình huống.
Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo hiện nay đang phá vỡ sự phân chia cứng nhắc giữa lãnh đạo nữ tính và nam tính. Chẳng hạn, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thể hiện các phẩm chất đồng cảm nhưng vẫn rất quyết đoán trong vai trò của mình; hoặc như doanh nhân Whitney Wolfe Herd, nhà sáng lập Bumble, kết hợp tham vọng với trách nhiệm xã hội.
Khi chúng ta tiếp tục chào đón ngày càng nhiều phụ nữ vào các vị trí có thẩm quyền, câu hỏi đặt ra là liệu việc xem xét lãnh đạo dưới góc độ giới tính có còn phù hợp nữa hay không. Bởi đến mức độ nào đó, việc gán mác “nữ tính hóa” cách lãnh đạo sẽ không còn khả thi, và chúng ta sẽ phải nhìn xa hơn và bỏ qua yếu tố giới tính hoàn toàn.
Sự linh hoạt trong lãnh đạo: Vượt qua khỏi quan niệm về giới tính
Khi định nghĩa về giới tính thay đổi, thì cách nhìn nhận của chúng ta về một nhà lãnh đạo cũng phải thay đổi. Điều này mở ra khả năng về một hình tượng lãnh đạo linh hoạt hơn—không dựa vào các phẩm chất chỉ thuần nam tính hay nữ tính, mà là sự kết hợp của các phẩm chất được huy động phù hợp tùy theo ngữ cảnh.
Theo hình tượng này, lãnh đạo không nhất thiết phải thể hiện hoàn toàn tính “nữ” hay “nam”, mà là khả năng thích ứng, đồng cảm, hợp tác và thể hiện sự quyết đoán khi cần thiết. Thay vì gán những phẩm chất này cho sự nam tính hay nữ tính, chúng ta cần hiểu rằng mỗi người đều có một phần của cả hai.
Sự linh hoạt trong lãnh đạo đặt trọng tâm vào sự mềm dẻo (nghĩa là biết khi nào cần lãnh đạo với sự quyết đoán và khi nào cần lắng nghe, khi nào sử dụng lòng trắc ẩn và khi nào thực thi trách nhiệm).
Những nhà lãnh đạo có thể thích ứng một cách liền mạch giữa các khía cạnh từng được coi là nam tính hay nữ tính có thể giải quyết tốt các tình huống từ xử lý khủng hoảng đến đổi mới và xây dựng đội ngũ.
Như vậy, những con người nắm quyền chỉ đạo và dẫn dắt tương lai sẽ trông ra sao?
Khi chúng ta tiếp tục hướng tới việc đưa phụ nữ nắm quyền lãnh đạo trong chính phủ, doanh nghiệp và các lĩnh vực khác, những cấu trúc quyền lực do nam giới đặt ra trước đây sẽ bị dỡ bỏ. Họ chính là những người đang thách thức những quan niệm cũ về lãnh đạo khi thể hiện rằng các phẩm chất như sự đồng cảm và hợp tác có thể mạnh mẽ không kém gì sự quyết đoán và quyền lực.
Những nhà lãnh đạo xuất sắc của tương lai (nữ giới và cả thế hệ nam giới sau này), sẽ là những người sở hữu cả phẩm chất nam tính và nữ tính, cũng như có thể thay đổi phong cách của mình một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu của đội ngũ, tổ chức hoặc quốc gia. Tính linh hoạt này sẽ rất cần thiết trong một thế giới ngày càng phức tạp và liên kết với nhau, khi nhiều tiếng nói và quan điểm cần được nêu lên để đưa ra giải pháp và thúc đẩy sự đổi mới.
Kết
Sự xuất hiện của những phẩm chất nữ tính trong lãnh đạo ngày nay đang thách thức cách chúng ta nghĩ về quyền lực và thẩm quyền, hướng tới một khái niệm khi đó phong cách lãnh đạo không bị ràng buộc bởi các vai trò giới tính truyền thống.
Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của câu trả lời cho câu hỏi: “Như thế nào là một người lãnh đạo?“. Đó là những người sẵn lòng tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau, đồng cảm, hợp tác và linh hoạt. Những phẩm chất này không bị giới hạn cố hữu ở đàn ông hay phụ nữ, hoặc bất kỳ giới nào.
Tương lai của một nhà lãnh đạo sẽ được xác định bởi khả năng chúng ta thích nghi với sự linh hoạt này, buông bỏ các ranh giới và định nghĩa cứng nhắc về điều gì tạo nên hình mẫu đấy; thay vào đó, khám phá những phẩm chất cho phép lãnh đạo phát triển trong một thế giới luôn thay đổi.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Nghĩ: Hãy để đàn ông được rơi lệ
- #Nghĩ: Đối phó với chi phí sinh hoạt cao bằng 10 việc làm sau
- #Nghĩ: “Nơi chốn thứ 3” (Third place) là gì? Và vì sao mọi người đều cần nó?