Anh Hoàng Tuấn Long, 46 tuổi, vừa lập kỷ lục thế giới là người đầu tiên sáng tạo mô hình các công trình kiến trúc nổi tiếng, kết hợp giữa tăm giang và mica.
Hành trình tới khi gặt hái được thành công
Anh Long là một kiến trúc sư có đam mê sưu tập mô hình của các nhân vật và công trình kiến trúc mà anh yêu thích. Năm 2012, anh có thử sức tự làm với một số loại vật liệu đơn giản nhưng không mấy thành công.
Không từ bỏ, đến năm 2016, anh đã tìm ra 2 loại vật liệu ưng ý nhất đó là tăm và mica.
Với hơn 10 mô hình công trình kiến trúc nổi tiếng như Chùa Một Cột, tòa nhà Quốc Hội Mỹ, Nhà Trắng, tháp đồng hồ Big Ben… Đầu năm nay, anh Long được liên minh kỷ lục thế giới Worldking chứng nhận là người làm nhiều mô hình bằng tăm giang và mica nhất. Đây cũng là kỷ lục thế giới thứ 43 đến từ Việt Nam.
Mọi câu chuyện đều bắt đầu từ đam mê
Ban đầu, anh Long chỉ làm để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân chứ không hề nghĩ đến chuyện sẽ kiếm tiền từ công việc này. Đánh giá cao trước những tác phẩm công phu của anh, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã đề nghị anh “thương mại hóa”.
“Tuy nhiên, tôi không sản xuất đại trà, không làm vì kiếm tiền nên có một vài tiêu chí như: mẫu yêu cầu tôi làm phải đẹp, tôi thấy thích chinh phục nó, không giục giã về thời gian và không trả giá. Bù lại nếu nhận hàng không ưng ý có thể trả lại”, anh Long cho biết.
Những tuyệt tác tỉ mỉ của người nghệ nhân
Năm 2016, sản phẩm Chùa Một Cột, sử dụng hơn 100.000 cây tăm, làm trong vòng 6 tháng của anh được xác lập kỷ lục Việt Nam là mô hình Chùa Một Cột bằng tăm lớn nhất.
Trong hình, anh Long đang hoàn thiện sản phẩm nhà thờ All Saint Church tại Minsk, Belarus, nơi anh đã theo học đại học và cao học. Sản phẩm này được làm bởi 200.000 cây tăm với thời gian thực hiện hơn 4 tháng.
Trong một lần đi ngang qua nhà thờ Tân Định, đường Hai Bà Trưng, quận 3, anh Long thấy có nhiều vị khách nước ngoài đứng tham quan. Không biết nơi đây có gì đặc biệt mà lại thu hút đông khách, anh lên mạng tìm hiểu mới biết đây là một trong 10 điểm tham quan màu hồng đẹp nhất thế giới.
“Tôi bắt tay vào làm mô hình cây thánh giá trên nóc nhà thờ. Để dễ nhận ra đây là cây thánh giá ở nhà thờ Tân Định, tôi đã tái hiện những hoa văn trên cửa sổ nhà thờ và đưa vào mô hình”, anh Long cho biết.
Mô hình tháp sen 7 tầng này được anh làm trong khoảng 10 ngày với hơn 30.000 cây tăm, giá bán 300 USD.
Mô hình đầu chim cú mèo được vị kiến trúc sư làm trong khoảng một tuần. Nếu làm ra sản phẩm nào thấy ưng ý, anh Long thường biến thể thêm vài mẫu khác tương tự. “Điều này làm tăng thêm tay nghề và thỏa mãn sự sáng tạo”, anh Long chia sẻ.
Mô hình Khuê Văn Các, được anh thực hiện trong một tháng với 10.000 cây tăm. Hầu hết những sản phẩm của anh Long đều có thể dùng đèn thắp sáng bên trong. “Với khoảng những kẽ hở đều tăm tắp của những cây tăm giang, ánh sáng có thể lọt ra bên ngoài trông rất đẹp. Đây cũng là điểm khác biệt của sản phẩm tôi làm với những người làm mô hình khác – khi họ chỉ dùng tăm xếp sát vào nhau”, anh Long chia sẻ.
Đây là mô hình tòa nhà Quốc hội Mỹ được trưng bày trong một triển lãm tại Mỹ. Sau này, mô hình được bàn giao cho bảo tàng Ripley’s Believe it or Not tại Dubai (UAE).
Sau khi xem mô hình, vị phó chủ tịch phụ trách mảng trưng bày và lưu trữ bảo tàng này đã đánh giá: “Mô hình tăm tòa nhà Quốc Hội Mỹ kỹ vĩ đến khó tin, là một hiện vật mới được yêu thích trong bộ sưu tập nổi tiếng thế giới của chúng tôi. Hiển nhiên đây là dự án mua hiện vật mới thành công nhất của chúng tôi trong năm 2016 – nó xứng đáng là một phần của bộ sưu tập Believe it or not”.
Suốt hơn 4 năm qua, anh Long chỉ thực hiện những mô hình trong khoảng thời gian từ chiều đến tối sau khi kết thúc công việc chính của mình.
“Sắp tới, tôi mong muốn phổ biến loại hình nghệ thuật này tới nhiều học sinh, sinh viên bằng cách cùng nhau thực hiện mô hình các công trình di sản kiến trúc. Các bạn sẽ làm ra những mô hình để học tập trực quan thay vì chỉ nhìn trên hình ảnh. Sau đó, tổ chức triển lãm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vật liệu tăm giang truyền thống, tay nghề của nghệ nhân Việt. Đồng thời mang lại việc làm cho những trẻ mồ côi, khuyết tật”, anh Long chia sẻ.
Theo VnExpress
Thảo luận về bài viết