Mỗi khi mất ngủ hoặc thức dậy trước khi “bé” báo thức kịp reo, người ta thường sẽ cố nằm trên giường và tìm cách chìm lại vào giấc ngủ. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ cho rằng: Càng cố tìm cách “nướng” trên giường sau khi tỉnh, ta sẽ càng có khả năng năng mắc bệnh thiếu ngủ mãn tính.
Vậy phải làm gì khi mất ngủ?
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược Pennsylvania (University of Pennsylvania School of Medicine) vào năm 2016, rời giường khi không ngủ được – thay vì cố gắng nằm lại và mong rằng sẽ ngủ – có thể ngăn chặn 70-80% các trường hợp mắc bệnh mất ngủ cấp tính chuyển thành mất ngủ mãn tính.
Để phục vụ kết quả của bài nghiên cứu, các chuyên gia đã theo dõi thói quen và giờ ngủ của 416 người trong hơn một năm. Khi mới bắt đầu, tất cả đều dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Nhưng dần dà, 20% số người tham gia bắt đầu trải qua giai đoạn mất ngủ cấp tính (xác định thông qua việc khó đi vào giấc ngủ hoặc mất ngủ ba đêm trở lên mỗi tuần, trong khoảng từ hai tuần đến ba tháng). Trong nhóm này, 45% cuối cùng đã trở lại giấc ngủ ngon. Nhưng đối với 7% số người đó, chứng mất ngủ chuyển sang mãn tính (kéo dài hơn ba tháng). Điểm khác biệt ở hai nhóm người này nằm ở việc những người dành ít thời gian trên giường có thể quay lại và có giấc ngủ nhanh chóng và chất lượng hơn, trong khi những người nằm mãi trên giường lại có khả năng bị mất ngủ mãn tính.
Nếu bạn không thể ngủ vào buổi đêm, Michael Perlis, người dẫn đầu bài nghiên cứu này cho rằng bạn nên ra khỏi giường và tận dụng thời gian này để đọc sách, gấp đồ, làm chút việc nhà… Bạn có thể thấy thấy bản thân dễ chìm vào giấc ngủ hơn sau một tiếng, đồng thời chất lượng giấc ngủ được cải thiện rõ rệt so với việc nằm chằn chọc mãi trên giường.
Tránh làm gì khi mất ngủ?
Perlis giải thích thêm về những cạm bẫy có thể dẫn tới việc mất ngủ. Đây là những hoạt động có thể làm chu trình ngủ của chúng ta lệch nhau.
Perlis cho rằng “những người bị mất ngủ thường kéo dài cơ hội chợp mắt của họ. Họ đi ngủ sớm, dậy muộn, và rồi chợp mắt trong một khoảng thời gian dài. Điều này nghe có vẻ có lý và có lợi trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng theo thời gian, nó sẽ khiến khả năng và cơ hội ngủ lệch khỏi nhau, qua đó càng làm tăng khả năng bị mất ngủ.”
Nói cách khác, họ thường “bù đắp” cho chứng mất ngủ bằng việc tìm mọi cách để chợp mắt. Tuy việc chọn thức – thay vì cố ép bản thân ngủ – để chữa căn bệnh này nghe vô lý, nhưng thực tế nó lại là phương pháp chữa căn bệnh hữu hiệu nhất dựa theo liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy). Đây cũng là lời khuyên chữa bệnh được các bác sĩ tại Đại học Bác sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians) sử dụng nhiều nhất.
Ngoài ra, Perlis cũng nói rằng nếu có một giờ ngủ đồng nhất, chúng ta có thể điều chỉnh được thói quen ngủ trong 3-5 ngày.
Lưu ý rằng giường là nơi để chúng ta thư giãn sau một ngày dài, thay vì là nơi để đọc sách, làm việc, hay thậm chí là nhảy nhót, vậy nên đừng để bộ não “gắn” giường với nơi để cơ thể tỉnh táo. Nếu đã thử những cách trên nhưng tình hình vẫn không cải thiện, bạn có thể vận động nhẹ trước khi lên giường, hoặc nghe những bài nhạc có tính chất ru ngủ.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Lịch trình ngủ không cố định cũng nguy hiểm không kém gì thiếu ngủ
Tâm sự ‘gối chăn’: Dọn giường hay không dọn giường?
Ngủ sâu hơn mỗi đêm với sự hỗ trợ của tiếng ồn hồng
Thảo luận về bài viết