Là một người luôn tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng từ 7h sáng, bạn dường như không thể hiểu nổi vì sao có người mỗi sáng đều phải nạp caffeine vào người.
Với bạn, cà phê không phải thứ bạn cần để luôn tỉnh táo. Nguyên nhân có thể nằm ở chế độ sinh hoạt (cụ thể là thói quen ngủ) của bạn, hoặc cũng có thể do caffeine không thật sự là thần dược năng lượng như chúng ta vẫn nghĩ trước giờ.
Caffeine là gì?
Caffeine là chất kích thích tự nhiên, có trong hơn 60 loài thực vật, trong đó có hạt cà phê, lá trà, và vỏ cacao. FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phân loại caffeine vừa là phụ gia thực phẩm, vừa là thuốc. Nó hoạt động bằng cách kích thích não và hệ thần kinh trung ương, giúp chúng ta “tỉnh táo, không còn thấy mệt”.
Ngày nay, có đến hơn ¾ dân số thế giới tiêu thụ sản phẩm chứa caffeine mỗi ngày. Con số này lên đến 90% đối với người trưởng thành khu vực Bắc Mỹ. Lượng caffeine trong mỗi cốc cà phê hoặc trà phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau như thương hiệu, loại đậu / lá được sử dụng, cách chế biến,…
Nhưng không chỉ trà, cà phê, hay sô-cô-la, caffeine còn có mặt trong rất nhiều món ăn và đồ uống khác, đặc biệt là thức uống năng lượng – sản phẩm vô cùng phổ biến với người dùng độ tuổi thanh thiếu niên. Hàm lượng caffeine trong những đồ uống này dao động từ 60mg đến hơn 250mg mỗi khẩu phần.
Caffeine hoạt động như thế nào?
Caffeine trong cơ thể – được nạp vào thông qua đồ ăn thức uống – sẽ được phân hủy thành các hợp chất có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác nhau, đặc biệt là não.
Tại não, caffeine hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh giúp thư giãn não bộ. Khi chúng ta thức, mức độ adenosine trong não tăng lên mỗi giờ. Nồng độ adenosine tích tụ càng cao, bạn sẽ càng có cảm giác mệt mỏi, muốn đi ngủ.
Bằng việc ‘vô hiệu hóa’ adenosine, caffeine sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Ngoài ra, caffeine còn làm tăng nhịp tim, huyết áp; giúp giải phóng adrenaline; tăng hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh dopamine và norepinephrine – giúp duy trì và thúc đẩy trạng thái kích thích, tỉnh táo, và tập trung. Bên cạnh đó, nó còn có ích trong việc cải thiện kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn, tốc độ phản ứng và xử lý thông tin.
Một điều khá thú vị nữa, là hiệu ứng giả dược của caffeine. Không cần biết tác động của nó lên cơ thể thế nào, bạn chỉ cần tin rằng nó có hiệu quả là đủ. Với niềm tin đó, nhiều người sẽ tự động thúc đẩy bản thân sau khi uống trà / cà phê.
Tuy nhiên, những tác động này đều có mặt hạn chế, cũng như bị giới hạn ở một mức nhất định. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Experimental Psychology: Learning, Memory, and Cognition cho biết caffeine sẽ vô hiệu, thậm chí phản tác dụng, nếu bạn dùng nó trong tình trạng cơ thể thiếu ngủ.
Vì thế, nếu bạn làm việc quá sức, hay thức đêm, hoặc bình thường đã khó ngủ, thì rất tiếc caffeine không thể giúp gì nhiều được.
Ảnh: Sasha Lupine
Vì sao cà phê lại vô hiệu?
Việc tăng lượng caffeine không nhất thiết làm tăng mức độ tỉnh táo. Tác dụng của cà phê đối với sự tỉnh táo và hiệu suất giống như đi tàu lượn siêu tốc vậy – đi lên, lao xuống, và sau đó là ngừng hoàn toàn.
Tác động này sẽ càng rõ hơn khi bạn thiếu ngủ. Một nghiên cứu trên Tạp chí Experimental Psychology đã tiến hành thí nghiệm với 276 người tham gia. Những người này được cho làm một số bài kiểm tra về khả năng nhận thức, sau đó được phân công ngẫu nhiên để thức hoặc ngủ suốt đêm. Sáng hôm sau, họ được giao cho các bài kiểm tra tương tự, cùng với một ít caffeine để ‘giúp đỡ’.
Kết quả, caffeine chỉ có tác dụng khi họ giải quyết những vấn đề / câu hỏi đơn giản, chỉ yêu cầu sự tập trung. Với những nhiệm vụ phức tạp hơn, đòi hỏi cao hơn về nhận thức thì cà phê chẳng giúp gì nhiều cho lắm. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu đêm qua thức trắng, hoặc nếu bạn là người khó ngủ, thì cà phê chỉ có thể hỗ trợ bạn trong những nhiệm vụ dễ dàng, đồng thời tác dụng này cũng không kéo dài mãi mãi.
Thời gian hoạt động của caffeine là khác nhau với mỗi người. Điều này phụ thuộc vào lượng caffeine họ nạp vào cơ thể, cũng như khoảng cách giữa các lần sử dụng. Trên 200mg caffeine (2-4 tách cà phê) mỗi ngày sẽ không giúp gì nhiều cho sự tỉnh táo hay năng suất làm việc của bạn, người lại, bạn sẽ thấy nó mất tác dụng nhanh hơn.
Nạp quá nhiều caffeine vào người cũng gây ra tình trạng đau đầu, đau nửa đầu, tăng huyết áp, nặng hơn là ảo giác, nôn mửa, có thể dẫn đến tử vong do co giật. 400mg caffeine mỗi ngày là liều lượng an toàn, nhưng chỉ nên sử dụng cùng lúc dưới 200mg mỗi lần.
Hiệu suất công việc của một người đôi khi không phải nhờ tác dụng của caffeine, mà là hoàn toàn ngược lại. Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy, những người nạp chất kích thích này vào người hàng ngày làm việc tốt hơn đơn giản chỉ vì cơ thể họ chống lại sự phụ thuộc caffeine. Một khi đã bị phụ thuộc, bạn sẽ dễ bị trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, suy giảm chức năng não bộ. Lúc này, cà phê giúp đưa bạn về trạng thái bình thường – và đối với bạn, như thế là đã “hiệu quả hơn” khi không có caffeine trong người.
Vì thế, nếu thường xuyên thiếu ngủ, vì bất cứ lý do gì, thì giải pháp hữu hiệu là để cơ thể được nghỉ ngơi thật sự, chứ không phải nốc cà phê vô tội vạ đâu.
Ảnh: Kemal Sanli
Xem thêm:
Điều gì xảy ra khi con người thiếu đi những cái ôm?
10 podcast ‘nhàm chán’ dành riêng cho những người khó ngủ
Vì đâu mà Sài Gòn lại có nhiều quán cà phê đến thế?
#LàmGìVui: Hà Nội – 5 quán cà phê đưa bạn về quá khứ
Thảo luận về bài viết