#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Bạn có sử dụng hết công suất tất cả những thứ mình đã từng mua hay không?
Trừ phi là người theo chủ nghĩa tối giản đến mức cực đoan, hầu như không sở hữu đồ đạc gì ngoài đồ cá nhân thiết yếu, thì câu trả lời có lẽ là Không. Mặc dù thế, chúng ta vẫn tiếp tục mua sắm, nâng cấp, và lấp đầy cuộc sống của mình bằng những vật sở hữu không cần thiết.
Tình trạng này được biết đến với tên gọi Hiệu ứng Diderot (Diderot Effect) – xu hướng tiêu thụ quá mức do nhu cầu tự cải thiện của con người.
Diderot là ai?
Denis Diderot – triết gia nổi tiếng người Pháp – đã sống trong nghèo túng gần như cả cuộc đời mình, cho đến khi ông bất ngờ sở hữu một khoản tiền khổng lồ vào năm 52 tuổi.
Dù không giàu có, tên tuổi Diderot vẫn được nhiều người biết đến với tư cách đồng sáng lập và là người viết ra Encyclopédie – một trong những bộ bách khoa thư toàn diện nhất thời bấy giờ. Khi Catherine Đại đế – Nữ hoàng của Đế quốc Nga – biết đến những rắc rối tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh (xấp xỉ 31.961.736 VND).
Không lâu sau khi có được khoản tiền ‘trên trời rơi xuống’ này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng màu đỏ mới tinh. Và đây là lúc mọi chuyện bắt đầu đi sai hướng.
Hiệu ứng Diderot
Chiếc áo choàng đỏ được làm bằng vải đắt tiền, trông mềm mại, sang trọng, và quý giá hơn hẳn những y phục giản dị thường ngày của ông. Chiếc áo choàng mới đẹp đến nỗi ông nhanh chóng nhận ra nó trông lạc lõng như thế nào giữa đống đồ tư hữu tầm thường của mình.
“Mảnh áo choàng cũ thật chẳng khác gì với đống vải vụn xung quanh tôi. Một cái ghế rơm, một chiếc bàn gỗ, một tấm thảm từ Bergamo, một vài cuốn sách đựng trên tấm ván gỗ, những tấm tranh nhòe nhoẹt không đóng khung chỉ treo tạm bợ bằng góc giấy. Giữa những tấm tranh này là ba bốn miếng trần cũ sờn. Cùng với mảnh áo cũ, chúng là một bản tổng thể hài hòa của cảnh nghèo túng. Nhưng giờ tất cả đã trật nhịp. Không còn sự thống nhất, không còn sự đồng điệu, không còn vẻ đẹp nào nữa.” (Regrets for my Old Dressing Gown – Denis Diderot)
Thế là Diderot bắt đầu mua sắm, thay thế tài sản cũ của mình bằng những lựa chọn xa hoa hơn. Chiếc ghế rơm được thay bằng một chiếc ghế bành bọc da Ma-rốc; chiếc bàn cũ được thế chỗ bởi cái bàn viết đắt tiền; tấm thảm rẻ tiền từ Begarmo được thay bằng một tấm thảm mua từ Damascus; những bức tranh ông từng yêu thích cũng phải ra đi, dành vị trí để treo tranh của những họa sĩ hợp thời hơn.
Nhưng thế vẫn chưa đủ. Căn phòng vẫn còn cảm giác mất cân đối, vì thế Diderot mua thêm nào là đồng hồ vàng, tượng đồng, bàn chân quỳ để trang trí, cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác để trang hoàng nhà cửa.
Kết quả còn tệ hơn tình trạng nghèo túng lúc đầu – Diderot chìm trong nợ nần. Ông cảm thán rằng: “Ta đã là chủ nhân của tấm áo choàng cũ. Giờ đây ta đã thành nô lệ của chiếc áo choàng mới!”
Vì sao chúng ta mua sắm những thứ mình không cần
Câu chuyện của triết gia Diderot có thể khiến bạn bật cười, nhưng thực tế là chúng ta cũng chẳng khác gì Diderot khi:
– Mua thêm đồ trang trí để nhìn cho ‘đỡ trống’ mặt tủ vừa sắm;
– Mua mới toàn bộ dụng cụ bếp để ‘trông xứng’ với khu vực nấu nướng vừa được nâng cấp;
– Trang bị thêm đồ tập, các thiết bị thể thao cho ‘đủ bộ’ sau khi tậu được đôi giày chạy xịn;
– Sắm sửa giày và khuyên tai mới để ‘ton sur ton’ với bộ váy vừa mua;
– Hoặc đơn giản mua đồ mới chỉ để lấp đầy không gian.
Hiệu ứng Diderot nói lên sự thật rằng, bất cứ vật sở hữu mới nào cũng dễ dàng tạo ra một vòng xoáy tiêu thụ, dẫn đến việc sở hữu nhiều vật dụng mới hơn. Kết quả, chúng ta mua sắm nhiều quá mức và mua những thứ bản thân trước đây không hề cần chỉ để cảm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn. Chúng ta chẳng mấy khi đi ngược lại với xu hướng tự nhiên của con người – tích lũy, thêm vào, nâng cấp, và tạo dựng.
Xem thêm: Thói quen mua sắm ngẫu hứng – Vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng nhanh
Chống lại hiệu ứng Diderot
Đừng ‘cả thèm chóng chán’
Mua hoặc sở hữu một món đồ mới toanh sáng lóa thường chỉ tạo ra sự hài lòng nhất thời. Vì thế, mỗi khi có nhu cầu nâng cấp hoặc thay đổi đồ dùng của mình, hãy tự hỏi rằng:
– Liệu bạn có cần đổi sang hoặc sở hữu phiên bản mới nhất này không?
– Những ích lợi mà món đồ đem đến có thật sự cần thiết không?
– Thay vì mua mới 100%, bạn có thể dùng đồ second-hand và vẫn đạt được ích lợi mong muốn không?
Hạn chế tiếp xúc
Thói quen được hình thành bởi điều kiện và dấu hiệu. Một trong những cách hay để giảm thói quen mua sắm bừa phứa, đó là tránh xa những điều kiện và dấu hiệu mang tính gợi ý, kích thích thói quen này ngay từ đầu.
– Đừng hẹn hò bạn bè ở trung tâm thương mại
– Hủy đăng ký bản tin từ các nhãn hàng hoặc website mua sắm
– Chặn các trang web mua sắm trực tuyến mà bạn hay lượn lờ ngắm nghía.
Xem thêm: 6 yếu tố kích thích tâm lý chi tiêu của bạn
Mua sắm những thứ phù hợp với tình trạng hiện tại
Để tránh phải ‘làm lại từ đầu’ mỗi khi sở hữu thứ gì đó mới, hãy tìm mua những món đồ phù hợp với tình trạng hiện tại và những món đồ khác mà mình đang sở hữu.
Ví dụ: mua những quần áo, phụ kiện có thể mặc chung với những thứ bạn đang có sẵn; hoặc khi mua sắm đồ điện tử, hãy chọn mua những món tương ứng với các thiết bị hiện tại để không cần mua thêm sạc, adapter, tai nghe, hay dây cáp mới.
Đặt giới hạn chi tiêu
Một cách đơn giản để tránh tiêu dùng quá mức là đặt ra cho mình một mức ngân sách và cố gắng vun vén trong giới hạn cho phép. Tránh vay mượn nếu không thật sự cần thiết. Ngoài ra, cần cẩn trọng với những sản phẩm trả góp. Hầu hết những chương trình ‘mua hôm nay trả sau này’ đều có những khoản chi phí chìm, gây ảnh hưởng đến tài chính cá nhân của bạn.
Mua một, tặng một
Mỗi khi bạn mua thứ gì đó mới, hãy bán lại hoặc quyên góp một món đồ khác mình đang có, nhằm tránh sở hữu quá nhiều thứ một lúc.
Xem thêm: Retail Therapy – Vỗ về bản thân hay thói xấu cần tránh?
Giải phóng bản thân khỏi những ham muốn vật chất
Nếu không dư dả, chúng ta vẫn sẽ có những ham muốn ‘ít tiền’. Khi đã khá hơn, chúng ta lại có những ham muốn ‘nhiều tiền’. Ham muốn, đặc biệt là ham muốn vật chất, có thể kéo dài đến vô hạn. Và chúng chẳng qua chỉ là những lựa chọn mà bạn có thể thực hiện hoặc không, chứ không phải là mệnh lệnh bắt buộc phải được hoàn thành.
Kết
Hiệu ứng Diderot không chỉ xuất hiện trong các giao dịch vô ích. Có thể những lựa chọn sắm sửa của bạn cần thiết và là những sự đầu tư khôn ngoan, thế nhưng đứng trên một góc độ nhất định, chúng ta vẫn chỉ là những nạn nhân của hiệu ứng Diderot.
Con người có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải theo hướng ngược lại. Vì thế, việc thực hiện những biện pháp thiết thực để hạn chế thói quen mua sắm ngẫu nhiên, tùy hứng, đồng thời tìm ra cách tối ưu nhất để sử dụng những gì mình đang có sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn rất nhiều. Nói như Diderot thì, “Hãy lấy ví dụ của tôi làm bài học. Nghèo khó có tự do của nghèo khó; giàu sang có trở ngại của giàu sang.”
Tham khảo:
The Diderot Effect: Why We Want Things We Don’t Need — And What to Do About It | James Clear
The Diderot Effect: Why we buy things we don’t need | nesslabs
The ‘Diderot Effect’ Explains Why It’s So Easy To Feel Like You Never Have, Or Do, Enough | Forbes
Thảo luận về bài viết