Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
“Nhân sự là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp.” Nhiều sếp nói vậy, khổ nỗi, tài sản này không 100% thuộc về doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được hưởng lợi từ kết quả lao động do nhân sự đem lại, dựa trên việc sắp xếp phù hợp và năng lực tối ưu của việc quản trị (chiến lược). Tài sản tăng, giảm hoặc đứng yên đều thuộc về trực tiếp nhân sự, dù sự đầu tư của doanh nghiệp là có. Nhưng đầu tư lớn nhất, vẫn là chính bản thân nhân sự đó.
Vậy đầu tư như thế nào, và ai cần đầu tư vào đó? Doanh nghiệp dù nỗ lực thế nào thì tài sản có lớn lên hay không đều nằm trong tay của bản thân nhân sự đó.
Để trở nên ‘giàu có’ bền vững
Tiền là một thước đo tốt, nhưng có nhiều thứ không chỉ là tiền, dù mình bao nhiêu tuổi đi nữa. Để tự làm chủ đời mình và làm tài sản của mình lớn hơn lên, có nhiều thứ để làm nhưng 3 thứ sau là lời khuyên nên cân nhắc.
1. Tri thức và kỹ năng chuyên môn
Đọc nhiều sách, xem nhiều phim, đi nhiều nơi, làm nhiều thứ và gặp gỡ nhiều người.
Hãy bắt đầu bằng việc thích, rồi đi xa hơn là để biết. Có những sách, những phim, những vùng kiến thức không phải chúng ta tiếp cận vì sở thích mà để chúng ta biết thêm một thứ gì đó mới lạ hay ho.
Biết để làm, làm để trải qua và soi chiếu lại rồi hiểu. Hiểu để cải thiện, để thay đổi, để biến kiến thức thành tri thức, để rèn giũa chuyên môn, để có-điều-gì-đó-thuộc-về-mình. Hãy sống với một tâm thế đạt được nhiều thứ mới mẻ hơn, vui hơn và chill hơn.
2. Trải nghiệm và kinh nghiệm
Hãy làm, hãy sống và hãy tự do nhìn ngắm thế giới nhưng cũng cần lưu ý là đừng chủ quan, đừng phán xét và đừng giữ một cái đầu định kiến.
Đi nhiều, biết rộng tạo nên trải nghiệm. Làm sâu, làm kỹ, làm đi làm lại, điều chỉnh và cải tiến để cứng, giỏi, lành nghề tạo nên kinh nghiệm.
Đừng qua loa mà tưởng rằng đã tinh tường một vấn đề gì đó, đừng chủ quan mà nghĩ là biết hết mọi thứ thế nào.
3. Mối quan hệ và giao tiếp
Hãy học giao tiếp bằng cách đứng ở vị trí người khác mà lắng nghe, cảm thông và cẩn trọng.
Học nghe nhiều hơn là nói. Hãy chậm lại, chậm lại và chậm hơn nữa. Cần nghe, cần lắng nghe và cần cẩn trọng trước những lời mình khuyên người khác, trước những lời mình nói ra bên ngoài.
Thoải mái tự nhiên nhưng tôn trọng và tế nhị. Cần giữ sự ung dung gần gũi mà giản dị chân thành. Nhiều lúc, những cơn vui quá kéo mình đi xa hơn một sự cảm thông và vượt quá giới hạn của một mối quan hệ. Để được tôn trọng, cần học cách tôn trọng.
Không cần nhiều mối quan hệ, nhưng cần chắc chắn và bền vững. Không cần quá thân thiết, mà cần giữ được sự giản dị tôn nghiêm.
Chưa cần gì nhiều, chỉ cần làm tốt những điều trên là tài sản đời mình đã lớn dần lên mỗi ngày một chút. Tài sản lớn lên, bản thân trở nên hữu dụng. Trở nên hữu dụng là giá trị quan trọng nhất của việc định giá tài sản, với bản thân mình, với người thân và tổ chức.
Sự giàu có bền vững là thứ giúp cho mình nhìn đời tích cực, tin và yêu bản thân, quý trọng và thương mến mọi thứ chung quanh bởi khi đó mình mới thấy mình sở hữu chính mình, một bản thân đầy giá trị và thuộc về tổ chức nào đó.
Mình có ý thức làm giàu chính mình rồi thì tổ chức và những người chung quanh mới có thể giúp mình, đi cùng mình và trở nên giàu có cùng nhau được.
Tự giúp mình trước, vũ trụ sẽ lắng nghe và hồi đáp.
Xem thêm:
#NgườiLớnĐiLàm: Nếu bạn có KPI, thì kệ nó
#NgườiLớnĐiLàm: Đừng chết chìm trong hộp email ngập tới cổ
#NgườiLớnĐiLàm: Những thói quen nhỏ nhưng cần thiết trong công việc
#NgườiLớnĐiLàm: Tôn trọng những khác biệt tính cách
#Nghĩ x #NgườiLớnĐiLàm: 6 nhân vật của vở kịch ‘Bắt Nạt Nơi Công Sở’
Thảo luận về bài viết