#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Bạn đã bao giờ bất an, khó chịu, thậm chí ghen tức vì nghĩ rằng mình là người duy nhất không tham gia hoặc không sở hữu một-cái-gì-đó rất vui vẻ thú vị mà ai cũng có phần?
FOMO là gì?
Ngày nay, nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO – fear of missing out) đã trở nên một hiện tượng vô cùng phổ biến. Theo JWT Intelligence (2011), thì FOMO được định nghĩa là “nỗi bất an, ám ảnh vì nghĩ rằng bạn bè đang làm, đang biết, đang sở hữu cái gì đó vượt trội hơn mình cả về số lượng lẫn chất lượng”.
Những người FOMO là những người luôn trong trạng thái lo sợ, từ đó dễ sinh ra đố kỵ, vì cho rằng người khác luôn đầy đủ hơn, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn mình. Cảm xúc này có lẽ không quá mới mẻ, tuy nhiên trong thời đại kỹ thuật số lên ngôi, khi ai cũng “ngồi nhà nhìn ra thế giới” thì FOMO cũng theo đó mà phát triển vượt bậc.
Ý nghĩ tôi-đang-bỏ-qua-cơ-hội gây ra những tác động không hề nhỏ lên suy nghĩ và hành vi của con người, khiến chúng ta dễ dàng đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính chứ không do nhu cầu hay mong muốn thực tế của bản thân. Một số ví dụ của FOMO có thể kể đến:
– Thấy khó chịu vì cho rằng mình bỏ lỡ những sự kiện thú vị đồng nghiệp đang tham dự;
– Chần chừ khi đưa ra quyết định vì lo sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ những phương án tốt hơn khác;
– Lo lắng sẽ bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng nếu từ chối lời mời / đề nghị của người khác, dẫn đến việc đồng ý với cả những thứ không thực sự thích.
FOMO còn có thể xảy ra trên quy mô cộng đồng / xã hội khi một số lượng đáng kể người cùng trải nghiệm cảm giác sợ bỏ lỡ. Ví dụ quen thuộc có thể bắt gặp trong lĩnh vực đầu tư: nhiều người vì FOMO mà thi nhau lao vào những dự án có-vẻ-như-có-lời mà không thật sự cân nhắc tiềm lực tài chính hoặc dự phòng nguy cơ đầy đủ trước đó.
FOMO và những ảnh hưởng
Nỗi sợ bỏ lỡ đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Không chỉ có khả năng gây ra các rối loạn tâm thần mà FOMO còn gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất do tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Ngoài ra, FOMO là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện mạng xã hội. Nỗi ám ảnh rằng ai đó cool hơn, xịn hơn mình là “động lực” thúc đẩy nhiều người không khi nào rời mắt khỏi điện thoại, kể cả khi đang đi học, đi làm, hoặc hẹn hò cùng người khác.
Cuối cùng, FOMO không chỉ làm tăng tần suất sử dụng mạng xã hội mà nó còn khiến trải nghiệm đó trở nên căng thẳng hơn nhiều lần vì cảm giác mình không được yêu thích hoặc không phù hợp, bất kể hình thức tương tác hay nền tảng mạng xã hội nào bạn đang sử dụng.
Mặc dù hầu hết các cuộc thảo luận về nỗi sợ bỏ lỡ trong cộng đồng nghiên cứu nói riêng lẫn xã hội nói chung đều tập trung xoay quanh những tác động tiêu cực, chúng ta vẫn không thể phủ nhận một số lợi ích nhất định của nó. Chẳng hạn như tác dụng thúc đẩy chúng ta tham gia vào những sự kiện / hoạt động mà có lẽ bình thường đã bỏ qua, hoặc nhắc nhở ta kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các lựa chọn mình có trước khi ra quyết định cuối cùng.
Vì sao chúng ta lại sợ bỏ lỡ?
Những người khác nhau sẽ trải nghiệm nỗi sợ bỏ lỡ một cách khác nhau, vì những nguyên nhân và trong những tình huống khác nhau. Song về cốt lõi, FOMO được thúc đẩy bởi (1) mong muốn được an toàn và (2) nhu cầu nắm bắt những phần thưởng tích cực mà mình có thể đạt được. Nhu cầu này đặc biệt mạnh mẽ hơn với những phần thưởng mà người khác cũng đang (hoặc sẽ) có.
Tâm lý học giải thích FOMO bằng thuyết tự quyết (self-determination theory). Đây là một lý thuyết thường được sử dụng trong bối cảnh ngoại giao và chính trị nhằm mô tả quá trình khẳng định nền độc lập / quyền tự chủ của một quốc gia. Trên phương diện cá nhân, thuyết tự quyết chỉ khả năng hoặc quá trình một người ra các quyết định và kiểm soát cuộc sống của mình.
Lý thuyết về tự quyết cho thấy sức khỏe tâm lý cũng như động lực phát triển cuộc sống của một người phụ thuộc vào 3 nhu cầu bẩm sinh và phổ quát:
– Năng lực, hay còn gọi là cảm giác “Tôi làm được”. Chúng ta mong muốn được cảm thấy rằng mình “có ích” khi được vận dụng khả năng và thực hiện tốt những gì mình làm. Cảm giác về năng lực tăng lên khi chúng ta được trao cơ hội chứng tỏ bản thân trong những thử thách phù hợp. Ngược lại, bất kỳ nhiệm vụ nào khó hơn hoặc dễ hơn so với khả năng sẽ khiến cảm giác về năng lực giảm.
– Tự chủ (tự trị), hay còn gọi là cảm giác “Tôi lo được”. Nhu cầu tự chủ thể hiện mong muốn kiểm soát cuộc sống cá nhân, bao gồm cả mục tiêu đặt ra và những gì mình làm trong cuộc sống đó. Nếu một người mất đi cảm giác tự chủ, họ sẽ thấy như bị điều khiển bởi những lực lượng không phù hợp với con người mình, cho dù những lực lượng đó là bên trong hay bên ngoài.
– Kết nối, hay còn gọi là cảm giác “Tôi quan trọng”. Là con người, chúng ta có nhu cầu về cảm giác thân thuộc, gắn bó, kết nối với những người xung quanh. Để đạt được điều này, chúng ta cần cảm thấy chắc chắn về vị thế của mình đối với người khác – ta cần biết rằng ta quan trọng, cần thể hiện sự quan tâm và nhận được sự quan tâm.
Theo đó, FOMO có thể được nhìn nhận như một hành vi tự điều chỉnh nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý. Bất cứ thiếu hụt nào về năng lực, tự chủ, hoặc kết nối đều có thể là tác nhân dẫn đến sự gia tăng cảm giác sợ bỏ lỡ của một người. Ví dụ, những sinh viên năm nhất thường gặp phải FOMO vì quá trình loay hoay làm quen môi trường, bạn bè, phong cách học tập mới khiến họ dễ sinh ra cảm giác bất lực, mất tự chủ, hoặc thiếu kết nối với xung quanh.
Ngoài ra, cảm giác sợ bỏ lỡ còn bị tác động bởi một số yếu tố khác. Ví dụ:
(1) Những người có xu hướng đánh giá bản thân dựa trên bản chất mối quan hệ giữa họ và người khác dễ gặp FOMO hơn những người có cảm giác độc lập, tự chủ cao.
(2) Những người có xu hướng chú ý nhiều đến trạng thái tinh thần của người khác
(3) Những người có nhu cầu được chấp thuận từ cá nhân hoặc tổ chức, cộng đồng nào đó
(4) Những người tìm kiếm sự nổi tiếng, muốn mình được biết đến hoặc được yêu thích hơn
Một số nghiên cứu khoa học khác còn đưa ra bằng chứng về sự ảnh hưởng của các yếu tố giới tính và yếu tố thời điểm (những quãng thời gian nhất định trong ngày và những ngày cụ thể trong tuần).
Sợ bị bỏ lỡ… trong nhiều lĩnh vực khác nhau
Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội
Nỗi sợ bỏ lỡ thường được gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội. Những người thường xuyên kiểm tra điện thoại và lướt mạng xã hội mặc dù không có điều gì quan trọng cần giải quyết ngay thường đưa ra 2 lý do để giải thích cho hành động của mình.
Đầu tiên, họ bị kích thích bởi yếu tố bên ngoài, ví dụ như thấy người khác cũng đang check điện thoại. Điều này thường xảy ra trong các buổi hẹn hò gặp gỡ – đối phương cúi xem điện thoại, tôi biết làm gì đây?
Lý do thứ hai, là những phần thưởng bất ngờ. Đôi khi, việc lướt mạng xã hội trong vô thức có thể vô tình đem đến một-cái-gì-đó hay ho, bổ ích, có liên quan đến mình. Nói cách khác, điện thoại giờ đây y như một chiếc máy rút thăm bỏ túi vậy. Nếu bạn có thể rút không giới hạn số lần, không tốn tiền, còn có thể “trúng thưởng” bất cứ khi nào, liệu bạn có dứt ra được không?
Marketing
FOMO là khái niệm khá quen thuộc trong tiếp thị, được sử dụng để thuyết phục người tiêu dùng ra quyết định mua hàng. Một số ví dụ có thể kể đến như: kêu gọi đừng bỏ lỡ ưu đãi ABC, đặt đồng hồ đếm ngược lúc sale, thông báo chỉ còn 1-2 sản phẩm cuối cùng, tạo sự kiện độc quyền “cả năm chỉ một lần”, …
Tâm lý khan hiếm
Thiên kiến khan hiếm là một suy nghiệm tâm lý khiến chúng ta vô thức kết luận rằng thứ gì càng hiếm sẽ càng quý giá. Cái bẫy này hay được bắt gặp trong mua bán, kinh doanh – khi người bán hàng lợi dụng tâm lý khan hiếm để người mua vô thức phát sinh nhu cầu mua hàng vì “đây là đợt mở bán giới hạn”.
FOMO và thiên kiến khan hiếm kích hoạt tâm lý cạnh tranh, dẫn đến việc chúng ta muốn mình trở thành người có được thứ đang chỉ còn rất ít hoặc đang được rất nhiều người khác quan tâm. Cái bẫy này còn được nhiều đơn vị buôn bán đặt ra bằng tấm biển “Hết hàng!” trưng lên không lâu ngay khi sản phẩm vừa ra mắt (cho dù nó có hết thật hay không).
Vượt qua nỗi sợ bỏ lỡ
Bắt đầu bằng cách “nhìn thẳng” vào nỗi sợ của mình:
– Khi nào và ở đâu thì bạn thấy FOMO? Những buổi tối cuối tuần khi bạn chỉ còn một mình ở nhà chẳng hạn?
– Khi thấy FOMO, bạn thường suy nghĩ và thường làm gì? Cảm giác buồn bã, bị bỏ rơi, cho rằng mình là kẻ thất bại, đồng thời nằm trên giường, lướt mạng xã hội không ngừng nghỉ?
– Nguyên nhân theo bạn là do đâu? Có thể do rảnh rỗi sinh nông nổi – không có việc gì làm nên bắt đầu ám ảnh về những gì người khác làm – hoặc do đầu óc quá mệt mỏi?
Tiếp đó, bạn có thể áp dụng một số kỹ thuật hành vi hoặc nhận thức để vượt qua nỗi sợ bị bỏ lỡ.
Né tránh, giảm bớt các tác nhân “kích hoạt” FOMO. Ví dụ, nếu nỗi sợ bỏ lỡ của bạn là kết quả của mạng xã hội, hãy tìm cách để giảm thời lượng sử dụng: để điện thoại xa tầm tay lúc làm việc, cài đặt chặn trong những quãng thời gian cố định, gom các biểu tượng mạng xã hội vào thư mục con trên màn hình điện thoại, …
Thay thế những thói quen tiêu cực khiến bạn gặp FOMO. Ví dụ, nếu thường xuyên trải nghiệm nỗi sợ bỏ lỡ khi ở nhà một mình hoặc khi nằm lì trên giường ngủ, hãy tạo ra lý do để rời nhà / rời giường: ra ngoài chạy bộ, tham gia lớp học, câu lạc bộ, hoặc đến bảo tàng tham quan như một cách xả stress lý tưởng.
Luôn nhắc nhở mình. Bạn có thể đặt những mẩu giấy nhớ, hoặc thậm chí cài màn hình chờ điện thoại thành những lời nhắn nhủ bản thân thư giãn, không cần lo lắng về những gì người khác đang làm.
Không vội đồng ý. Thay vì ngay lập tức gật đầu với mọi lời mời mọc, hãy cho bản thân thời gian để suy nghĩ, xem liệu bạn có thật sự thích hay điều này có thật sự cần thiết với bạn không.
Thực hành chánh niệm. Đặt tâm trí vào khoảnh khắc hiện tại, chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc một cách không phán xét. Tư duy này có thể giúp bạn giảm FOMO đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của nó trong trường hợp không tránh được hoàn toàn.
Chuyển hướng giá trị. Cụ thể là những giá trị liên quan đến công sức, thời gian, và sức khỏe tinh thần của bạn. Đồng ý với mọi thứ, tham gia vào mọi thứ sẽ khiến bạn kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Nói “Không” trong một số tình huống có thể khiến bạn thấy khó khăn, nhưng điều này là cần thiết, ngay cả khi cái giá phải trả là bỏ lỡ cơ hội để làm gì đó.
Không ngại “tối cổ”. Ngay cả những “cơ hội” vụt mất trong tầm tay cũng đem lại những lợi ích nhất định – không dự tiệc thì buổi tối của bạn cũng không mất đi, và bạn có thể dành nó để nấu nướng một bữa ra trò, xem phim một cách thoải mái, hoặc bắt đầu lời hứa “thể dục tại nhà” mà bạn đã muốn làm từ lâu.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Học thuyết đạo đức của Kohlberg – Nhận thức tốt-xấu của chúng ta được hình thành như thế nào?
Những thí nghiệm tâm lý gây tranh cãi nhất từ trước đến nay
Trời cao có mắt hay thế giới này thực chất không công bằng?
Bi quan chưa hẳn là xấu, lạc quan chưa chắc đã tốt
Thảo luận về bài viết